Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất?

PV | 11:02 06/09/2022

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng, thậm chí có ngân hàng tăng lên mức 8,8%/năm.

Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất?
Lãi suất huy động có ngân hàng cao nhất lên đến 8,8%/năm chi kỳ hạn 12 tháng. (Ảnh: Int)

Khảo sát của MarketTimes tại các ngân hàng thương mại, trong tháng 9/2022 có gần chục ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên từ 7,0 -7,55% năm cho các kỳ hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Lãi suất huy động cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng.

Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cho sản phẩm này kỳ hạn 24 tháng là 7,7%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn với mức 7,55% cho kỳ hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến.

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) niêm yết trên mức 7,4-7,5% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên nhưng với các điều kiện khác nhau.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng khi gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng cho gói "Tài lộc" hay gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi" sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1% so với trước đó, lên 6,1 - 6,2%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với 7,3%/năm; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 7,1%/năm...

Ngoài ra, tại ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng của MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên các mức 5,3%/năm và 6,1%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm lên 6,9%/năm.

Lãi suất huy động của các Ngân hàng TMCP có vốn nhà nước như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tiếp tục duy trì tương tự hồi đầu tháng 8 với mức cao nhất là 5,6%/năm.

Theo thống kê của Chứng khoán Agribank (Agriseco), trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì cao hơn tăng trưởng huy động.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt mức 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, dao động từ 5,5 - 7,55% một năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.

Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 - 70 điểm cơ bản nếu hạn mức tín dụng được nới. Như vậy, lãi suất huy động trong cả năm 2022 có thể tăng từ 1 - 1,5%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO