Điều Elon Musk cảm thấy 'điên rồ' đang diễn ra tại nhà máy Tesla ở Đức

Hà Thu | 08:04 06/02/2025

Elon Musk cho rằng đây là điều không tưởng, “điên rồ” và cần được xem xét.

Điều Elon Musk cảm thấy 'điên rồ' đang diễn ra tại nhà máy Tesla ở Đức

Trên nền tảng mạng xã hội X, Elon Musk bày tỏ sự ngạc nhiên về tỷ lệ vắng mặt cao tại nhà máy Tesla gần Berlin, Đức. Vị giám đốc điều hành cho rằng đây là điều không tưởng, “điên rồ” và cần được xem xét.

Số lượng công nhân xin nghỉ ốm từ lâu đã là một vấn đề “nóng” tại cơ sở này, nơi mà các nhà quản lý đang vật lộn để duy trì tinh thần tự do của một công ty công nghệ Mỹ trong bối cảnh áp lực từ các công đoàn cần tuân thủ quy định thân thiện với người lao động ở châu Âu.

Cuộc xung đột văn hóa này tạo bối cảnh cho những phát biểu ngày càng thường xuyên của Musk về chính trị châu Âu.

Dòng trạng thái "Từ MAGA đến MEGA: Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại!" đã được Musk chia sẻ trên X vào tháng trước, chơi chữ từ khẩu hiệu chiến dịch đã đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng. Vị tỷ phú còn nhấn mạnh quan điểm rằng các phương thức quan liêu của châu Âu cần phải bị phá vỡ.

Văn hóa làm việc của Tesla và các chuẩn mực địa phương đang gặp nhiều bất đồng, nhất là trong việc thành lập công đoàn của công ty. Cuối năm ngoái, công đoàn IG Metall đã đệ đơn kiện yêu cầu gỡ bỏ lãnh đạo hội đồng làm việc của Tesla vì đã "nhiều lần vi phạm luật gây cản trở cam kết đối với lợi ích của lực lượng lao động”.

Ngay sau đó, một cuộc họp hòa giải đã được lên kế hoạch. Tesla thông báo với các phương tiện truyền thông địa phương rằng vụ kiện không có kết quả khả quan. Công ty và Elon Musk chưa đưa ra bất kỳ phản hồi yêu cầu bình luận nào.

Tại nhà máy Gigafactory, khi tỷ lệ ốm đau của công nhân Tesla tăng vọt vào tháng 8, phó giám đốc André Thierig đã cử quản lý các nhà máy đến gõ cửa hỏi thăm từng người vắng mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ ốm đau của công nhân vẫn cao. Điều đó cho thấy rằng mô hình xã hội của Đức đang bị lạm dụng, Thierig chia sẻ với các phương tiện truyền thông địa phương vào thời điểm đó.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mặc dù nổi tiếng với tinh thần làm việc chăm chỉ, người Đức đã xin nghỉ ốm nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác trong năm 2022, trung bình gần 25 ngày vắng mặt mỗi năm. Các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ cao này là do hệ thống bồi thường nhân viên hào phóng và hậu hĩnh của Đức. Người lao động có quyền nhận được mức lương đầy đủ từ các nhà tuyển dụng trong tối đa sáu tuần vắng mặt mỗi năm cho mỗi lần ốm.

Tuy nhiên, phía IG Metall lại cho biết tỷ lệ vắng mặt của công nhân Tesla cao hơn nhiều so với các đối thủ là do "khối lượng công việc cực kỳ cao". Công đoàn đã tiến hành một cuộc khảo sát vào tháng 10 cho thấy 83% công nhân cảm thấy "thường xuyên hoặc rất thường xuyên bị quá tải".

Elon Musk không chỉ phản đối hành động của công đoàn, mà còn cáo buộc tạo ra hệ thống phân cấp và tiêu cực trong nơi làm việc. Tesla là nhà sản xuất ô tô duy nhất ở Đức không có thỏa thuận thương lượng tập thể với người lao động. Trong khi đó, IG Metall lại chưa thu hút đủ sự ủng hộ tại nhà máy để đấu tranh cho quyền thương lượng lương của công nhân.

Tháng 11 năm 2024, khi Tesla tăng lương cho công nhân nhà máy Đức thêm 4%, phó giám đốc André Thierig đã ghi nhận sự độc lập của công ty một cách "nhanh chóng và linh hoạt" trong tuyên bố gửi tới các phương tiện truyền thông địa phương vào thời điểm đó. Ông cũng nhấn mạnh hành động tăng lương của công ty "mà không có tranh chấp lao động hay đình công". 

Điều này trái ngược hoàn toàn với Volkswagen khi bị mắc kẹt trong cuộc đàm phán ồn ào với IG Metall về lương, đầu tư và khả năng đóng cửa nhà máy. Sau gần ba tháng đàm phán, Volkswagen đã ký một thỏa thuận với công đoàn vào cuối tháng 12. Các nhà phân tích hoan nghênh thỏa thuận này, nhưng một số đã chỉ trích sự thiếu khẩn trương, khi thị trường ô tô châu Âu đang thu hẹp và việc chuyển đổi sang xe điện trở nên đắt đỏ và khó khăn.

2024 là năm doanh số bán xe điện ở châu Âu giảm sau khi Đức - thị trường lớn nhất khu vực cắt giảm trợ cấp. Theo hiệp hội thương mại ngành công nghiệp ACEA, Tesla bị ảnh hưởng nặng nề hơn hết với số lượng giảm 11%.

Năm 2025, các quy định về khí thải carbon dioxide dự kiến sẽ được siết chặt hơn tại Liên minh Châu Âu, yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải bán nhiều xe điện hơn hoặc phải chịu phạt lớn. Nếu không có hoạt động kinh doanh xe chạy xăng, Tesla có thể là một bên hưởng lợi từ những quy định này.

Mặc dù các quy định của EU hỗ trợ xe điện, Elon Musk vẫn kêu gọi các quốc gia châu Âu cần phải phi quy định - một lập trường mà ông đồng nhất với đảng AfD. Ông cho rằng "chỉ có AfD mới có thể cứu nước Đức", và cách tiếp cận của đảng này đối với việc phi quy định đã "phản ánh các nguyên tắc khiến Tesla và SpaceX thành công”.

Theo WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Điều Elon Musk cảm thấy 'điên rồ' đang diễn ra tại nhà máy Tesla ở Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO