Liên quan đến vấn đề nguồn tiền kiều hối về Việt Nam trong những năm vừa qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, hàng năm kiều bào chuyển hàng tỷ đô la về Việt Nam. Đây là một trong những nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Là một trong những người Việt kiều, theo TS. Hiếu, kiều bào của chúng ta cảm thấy vấn đề chuyển tiền đầu tư vào Việt Nam có môi trường đầu tư rất rủi ro. Bởi họ cho rằng, khung pháp lý của Việt Nam thay đổi liên tục; các Bộ Luật, Nghị định ban hành còn rất chồng chéo. Do đó, kiều bào chưa cảm thấy an tâm về hành lang pháp lý khi họ đầu tư vào Việt Nam, bên cạnh những hạn chế và phiền toái mà họ gặp phải khi chuyển tiền về Việt Nam.
Không chỉ thế, TS. Hiếu cho rằng, ngay cả Việt kiều về nước giao dịch thanh toán qua internet banking và mobile banking cũng có nhiều điểm hạn chế. Đơn cử, bà con Việt kiều về nước không có thẻ lao động, họ có thể mở tài khoản ngân hàng được, nhưng việc sử dụng tài khoản rất hạn chế. Họ không thểsử dụng tài khoản ngân hàng trực tuyến và giao dịch qua mobile banking.
Để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ ngân hàng như những người trong nước, kiều bào phải có giấy phép cư trú từ 6 tháng trở lên. Nếu không, bà con Việt kiều chỉ có thể đến ngân hàng để sử dụng các dịch vụtrực tiếp tại quầy.
Khi vấn đề này bị hạn chế với những lý do không rõ ràng, là điều mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại để có những quy chế và chính sách rộng rãi hơn, cởi mở hơn cho bà con Việt kiều.
“Điều này thật sự rất bất tiện và có lẽ Chính phủ nên xem xét vấn đề này. Đây có thể do Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc người nước ngoài sử dụng tài khoản, do những rủi ro về rửa tiền cũng như các rủi ro khác”, TS. Hiếu nhận định.
Để tăng cường thu hút lượng kiều hối về nước và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối này cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu:
Thứ nhất, các giao dịch ngân hàng cần phải được nới rộng và cởi mở hơn cho kiều bào, để họ có thể sử dụng những giao dịch tiên tiến và các dịch vụ ngân hàng thông thường khi về Việt Nam.
Thứ hai, tất cả kiều bào nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp và có mong muốn ở lại trong nước một thời gian, Ngân hàng nhà nước cần quy định ít nhất có giấy cư trú 3 tháng sẽ được hưởng chính sách giao dịch tiền tệ như người ở trong nước.
Thứ ba, các chính sách về kinh doanh bất động sản nên nới lỏng hơn cho kiều bào được tham gia đầu tư, điều này chỉ hạn chế đối với người nước ngoài khi đầu tư vào bất động sản Việt Nam.
“Đối với kiều bào, những người có gốc rễ dân tộc, cần phải có những chế độ ưu đãi nhiều hơn. Chính vì thế, phải nới rộng quyền hạn trong vấn đề đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng như đầu tư vào các ngành nghề khác”, TS. Hiếu nhấn mạnh.