Chúng ta đã nghe không ít ví dụ về những người thành công duy trì thói quen dậy sớm để làm việc. Chẳng hạn, CEO Tim Cook của Apple thức dậy vào lúc 3h45 mỗi ngày, CEO kiêm nhà sáng lập Sallie Krawcheck của Ellevest bắt đầu ngày mới lúc 4 giờ sáng… Chia sẻ với tạp chí Wall Street Journal, nhà tâm lý học Josh Davis nói rằng đây là lúc bạn có sự bình yên và tĩnh lặng, không bị phiền nhiễu bởi tin nhắn hay cuộc gọi nào.
Không phủ nhận lợi ích của việc dậy sớm, như cải thiện sức khoẻ tinh thần, có thời gian tập thể dục và tập trung hơn. Nhưng việc thức dậy cùng giờ với những CEO này chưa chắc đã giúp bạn thành công hơn.
Nhiều người không nhận ra rằng việc thức dậy vào lúc 4 giờ sáng chỉ hiệu quả nếu họ vốn dĩ là những "chú chim ban mai" - người luôn tỉnh giấc vào sáng sớm. Trong trường hợp không phải người hay dậy sớm, bạn sẽ rơi vào tình trạng làm việc kém hiệu quả do ngủ không đủ giấc.
Theo cây bút Bill Murphy Jr. của Inc. Magazine, bạn nên tập trung vào việc thực hành và rèn luyện 4 yếu tố này. Anh cho biết đây là bộ kỹ năng mà những người thành công không ngừng cố gắng cải thiện.
1. Thể hiện sự hào phóng
Mọi người thường không nhớ nhiều về những gì bạn nói hay làm, nhưng việc bạn đem lại cảm xúc gì cho họ sẽ để lại ấn tượng lâu phai. Chẳng hạn, khi bạn thể hiện sự hào phóng với người khác, họ sẽ ghi nhớ lòng tốt và sự rộng lượng của bạn.
Trong cuốn "Cho và Nhận", giáo sư Adam Grant của Trường Kinh doanh Wharton lập luận rằng: Trong số những phẩm chất dẫn đến thành công, thuộc tính quan trọng thường bị bỏ qua là sự hào phóng.
Những người hạnh phúc, tốt bụng và hào phóng có nhiều bạn bè tốt và các mối quan hệ cá nhân bền chặt. Không phải vì người khác biết họ được hưởng lợi từ người hào phóng. Mà thực tế là người hào phóng thường trung thành, chung thuỷ và 2 phẩm chất đó là yếu tố củng cố các mối quan hệ.
Đặc điểm chung khác của người rộng lượng là họ sẵn sàng vui vẻ làm việc chăm chỉ. Thành công đến thông quan sự nỗ lực và làm việc nhiệt tình, không có con đường nào ngắn hay dễ dàng hơn. Người hào phóng hiểu điều này và làm những gì cần thiết để đạt mục tiêu, ước mơ của họ trong cuộc sống.
Sự hào phóng là anh em họ của lòng biết ơn, là chìa khoá mở ra cánh cửa hạnh phúc và sự mãn nguyện.
2. Khả năng đàm phán
Đàm phán là một nghệ thuật và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cá nhân. Mọi thứ trong cuộc sống đều có thể là cuộc đàm phán. Chúng ta đàm phán hay thương lượng về việc ăn gì, ở đâu hay làm thế nào để con cái có đủ tiền học đại học.
Song điều này không có nghĩa là bạn sẽ luôn có được thứ mình muốn. Nhưng nếu không thương lượng, bạn sẽ không có được thứ gì. Đàm phán là chìa khóa để thăng tiến tại công sở, giải quyết xung đột và tạo ra giá trị trong hợp đồng làm việc.
Có nhiều lý do cho việc nâng cao kỹ năng đàm phán là điều quan trọng. Thứ nhất, bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng cần có sự tự tin. Khi bạn tự tin đưa ra lời đề nghị hay sự phản đối, bạn có nhiều khả năng đạt được các giao dịch hoặc thoả thuận tốt hơn.
Bên cạnh đó, khả năng đàm phán còn giúp bạn kiểm soát căng thẳng, ngăn ngừa sự cố và giải quyết xung đột, xây dựng sự tôn trọng và danh tiếng. Nhờ kỹ năng đàm phán tốt, bạn sẽ giao tiếp hiệu quả, thể hiện kiến thức và quan điểm của mình một cách chuyên nghiệp, được mọi người đánh giá cao.
3. Kiểm soát cái tôi
Có sự khác biệt rõ ràng giữa sự tự tin và cái tôi kiêu ngạo. Nhiều người tự cho mình là trung tâm và tin rằng sự tự phụ là "nguyên liệu chính" để đạt được danh tiếng, tiền tài. Tuy nhiên sự kiêu ngạo có thể là rào cản lớn nhất dẫn đến thành công.
Sự tự tin là thứ giúp bạn biến ý tưởng từ suy nghĩ đơn thuần trên giấy tờ thành công việc kinh doanh. Nhưng khi công việc càng thành công, bạn có nhiều khả năng để cho cái tôi lấn át sự tự tin.
Đôi khi sự tự phụ có thể giúp bạn kiếm tiền, nhưng mặt khác tính cách này cũng có thể làm hỏng mối quan hệ với những người xung quanh, đặc biệt là nhân viên.
Theo nhà văn Ryan Holiday, cái tôi quá lớn sẽ giết chết việc học tập. Những người thành công nhất thường tự mô tả họ là những người học tập suốt đời. Việc không ngừng học hỏi những điều mới giúp họ luôn khiêm tốn và nhắc nhở họ về những lĩnh vực họ chưa thành thạo. Nếu có thể kiểm soát cái tôi và học hỏi từ những người xung quanh, không phân biệt cấp bậc, bạn sẽ đạt được nhiều lợi thế ngoài sự mong đợi.
4. Xây dựng trí tuệ cảm xúc
Nếu tìm hiểu bất cứ thông tin gì về chuyện thăng tiến trong công việc, bạn có thể từng đọc được rằng người có trí tuệ cảm xúc (EI) cao có nhiều khả năng được thăng chức và thu nhập cao.
Trí tuệ cảm xúc là khả năng xác định và điều chỉnh cảm xúc của một người cũng như hiểu được cảm xúc của người khác. Chỉ số cảm xúc (EQ) cao giúp bạn xây dựng các mối quan hệ, làm giảm xung đột giữa nhóm người và tăng năng suất làm việc.
Đó là lý do khi tuyển dụng các vai trò quản lý, nhà tuyển dụng tìm cách thuê và thăng chức cho những ứng viên có chỉ số EQ cao, thay vì chọn người có IQ cao. Những người này không dễ nổi cáu, có thể kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh khi công việc không diễn ra theo đúng kế hoạch. ra, người càng có EI cao, hiệu suất làm việc của họ càng tốt.
Việc trở nên thông minh về mặt cảm xúc tạo ra sự khác biệt tích cực trong mối quan hệ của bạn với bạn bè, đồng nghiệp cũng như trong cuộc sống cá nhân.
Theo Inc. Magazine