Đấu giá đất Hà Nội rục rịch nóng trở lại, nỗi lo bỏ cọc tái diễn

Lê Sáng | 08:59 21/10/2024

Thị trường đất đấu giá Hà Nội lại đang có dấu hiệu nóng trở lại khi vừa mới đây, phiên đấu giá “xuyên đêm” tại Hà Đông đã chốt giá cao nhất 262 triệu đồng/m2.

Đấu giá đất Hà Nội rục rịch nóng trở lại, nỗi lo bỏ cọc tái diễn
Lô đất đấu giá trúng cao nhất thuộc khu Đống Đanh - Đồng Cộc (phường Phú Lương) với "giá chốt" 262 triệu đồng/m2

Sau một thời gian tạm lắng, thị trường đấu giá Hà Nội lại đang có dấu hiệu nóng trở lại.

Vừa mới đây, phiên đấu giá 27 thửa đất thuộc ba phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội, quận Hà Đông, sau 14 tiếng đến 23h ngày 19/10 mới kết thúc.

Trong đó, khu Đống Đanh - Đồng Cộc phường Phú Lương có một lô đất lên sàn đấu, ký hiệu 1A-03. Đây cũng là lô có giá trúng cao nhất, đạt hơn 262 triệu đồng một m2 (tổng 15 tỷ đồng), chênh hơn 8 lần so với khởi điểm.

Trong 17 thửa đất tại khu Hạ Khâu, phường Phú Lương, lô trúng cao nhất lên đến 166 triệu đồng một m2 (tổng 10,4 tỷ đồng), gấp hơn 6 lần mức khởi điểm. Mức thấp nhất đạt 146 triệu đồng một m2, gấp 5,5 lần, thuộc về lô có ký hiệu B1-16. Đáng chú ý, ngay bên ngoài hội trường đấu giá, lô B1-16 đã được rao bán chênh 400 triệu đồng.

Khu Dược, phường Dương Nội có 6 lô lên sàn đấu, trong đó thửa trúng cao nhất đạt gần 183 triệu đồng một m2, chênh 8 lần so với khởi điểm. Lô trúng thấp nhất cũng chênh 5,8 lần, đạt 133 triệu đồng một m2.

dg.jpg
Quận Hà Đông đấu giá 27 thửa đất ở tại phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội. Ảnh: UBND quận Hà Đông

Nỗi lo “bỏ cọc” tái diễn

Tuy nhiên, mức giá trúng đấu giá cao hơn nhiều lần giá khởi điểm lại tiếp tục dấy lên những lo ngại lịch sử "bỏ cọc" lặp lại. TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, diễn biến và kết quả các phiên đấu giá đất này vừa bất thường lại vừa bình thường. Bởi hiện nay, ranh giới phân biệt những việc bất thường và bình thường có vẻ không còn xác định.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, với số lượng đất đấu giá còn rất lớn, vấn đề ngăn đầu cơ, “thổi giá”, bỏ cọc tái diễn. Theo ông Hiệp vấn đề nằm ở việc xác định giá khởi điểm và tiền đặt cọc phù hợp tình hình thị trường.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng, cần áp dụng biện pháp cấm đấu giá trong khoảng thời gian nhất định với những cá nhân có hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc để ngăn chặn làm nhiễu loạn thị trường.

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường đất đấu giá tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh tế xã hội, mới đây, Cử tri TP. Hà Nội đã có kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng bỏ cọc sau đấu giá đất.

Cử tri cho rằng, thời gian gần đây có trường hợp giá trúng đấu giá đất tại một số huyện cao nhiều lần so với giá khởi điểm, sau đó người đấu giá trúng bỏ cọc, dẫn đến tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở, bất động sản. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu, không để xảy ra tình trạng “loạn” đấu góa đất như thời gian qua.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá “ảo” tại khu vực để kiếm lời…

“Loay hoay” tìm giải pháp

Trong khi nguyên nhân của tình trạng sốt nóng đấu giá đất đã được nhiều chuyên gia chỉ ra thì hiện các cơ quan quản lý dường như vẫn đang loay hoay tìm cách khắc chế.

Bộ Xây dựng cho biết đã và đang đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã đề xuất nghiên cứu chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, việc mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn nhằm kiếm lời.

Để kiểm soát tình trạng đẩy giá cao rồi bỏ cọc, mới đây, nhiều huyện ven và quận cũng hoãn kế hoạch tổ chức một số phiên đấu giá như Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông, Đan Phượng...

Theo thông báo từ đơn vị tổ chức - Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia, phiên đấu giá các thửa đất tại huyện Quốc Oai ngày 25/10 sẽ tạm dừng để huyện rà soát, cập nhật và điều chỉnh phương án đấu giá. Người đã mua hồ sơ, nộp tiền đặt trước sẽ được trả lại.

Đề xuất giải pháp dưới góc độ quy định pháp lý, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Công ty Luật Song Anh cho rằng với mức tiền cọc 20% hiện nay là hợp lý, nhưng điều quan trọng là giá khởi điểm phải sát với giá thị trường. Còn đối với những trường hợp trúng đấu giá cao bất thường rồi bỏ cọc, cần phải kiểm tra lịch sử đấu giá, giao dịch bất động sản của các cá nhân này.

"Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, cơ quan an ninh cần vào cuộc để xem xét có yếu tố cấu kết, thổi giá, thao túng thị trường…", ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đấu giá đất Hà Nội rục rịch nóng trở lại, nỗi lo bỏ cọc tái diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO