Theo luật pháp Trung Quốc, di vật văn hóa khai quật được phải tự nguyện giao nộp cho nhà nước. Đây là nghĩa vụ mà mỗi người dân phải tuân thủ. Tuy nhiên nhiều người thiếu kiến thức lại cho rằng điều này không hợp lý, vì thế nên thay vì giao nộp, họ đã giấu để làm của riêng hay bán để kiếm lời.
Trên thực tế, hành vi này là bất hợp pháp, trừ khi di vật văn hóa mà họ sở hữu là được truyền lại từ tổ tiên hoặc có được chúng trên thị trường đấu giá. Nếu không thì đó là trái quy định. Bên cạnh những câu chuyện về việc người dân phá hoại hay đem bán những di vật văn hóa tìm được, cũng có những câu chuyện “người tốt việc tốt” được chính quyền vinh danh. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Vào năm 1985, tại làng Cố Tường, huyện Thương Thủy, Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc có một cựu chiến binh tên là Hà Cương đang đào móng xây nhà thì phát hiện phát hiện một vật giống như cái lu nước đang bị vùi sâu dưới lớp đất cứng. Vì tò mò, ông cụ này vội đào thứ đó lên để kiểm tra. Thoạt nhìn, nó giống như một cái lu nước bình thường nhưng đã được bịt kín miệng một cách cẩn thận.
Sau khi mở chiếc lu nước này ra, ông Hà vô cùng ngạc nhiên khi bên trong chứa rất nhiều đồ vật được chế tác bằng vàng và bạc, hình dáng rất độc đáo. Theo mô tả, những thứ này có cái trông giống như chiếc thuyền, có cái lại trông giống như những chiếc đĩa hay chiếc bát nhỏ. Dưới ánh mặt trời, chúng dù đã cũ nhưng vẫn sáng lấp lánh khiến ông Hà vô cùng choáng ngợp.
Ảnh minh họa: Sohu
Tuy nhiên, việc cựu chiến binh này đào được báu vật đã nhanh chóng lọt vào mắt của những người hàng xóm và đến tai những người buôn bán cổ vật. Họ kháo nhau đến nhà ông Hà để có thể tận mắt chứng kiến và đưa ra những mức giá hấp dẫn để mua chúng. Không lâu sau đó, cảnh sát cũng có mặt và phong tỏa hiện trường để giữ trật tự cũng như bảo vệ những món đồ mà ông Hà đào được.
Hà Cương tuy không biết nguồn gốc cụ thể của những món đồ quý giá này, thế nhưng là một công dân yêu nước, ông cụ này hiểu rằng những thứ này thuộc về nhà nước nên đã từ chối bán chúng cho những lái buôn chuyên thu mua đồ cổ. Sau đó, ông còn chủ động liên hệ và mời những chuyên gia tại Bảo tàng Cố cung Quốc đến nhà mình để thẩm định những “báu vật” đó.
Ảnh minh họa: Sohu
Sau khi kiểm kê và xem xét, các chuyên gia cho biết “lô” đồ cổ này có đến 19 món báu vật được làm bằng vàng và bạc. Hơn nữa, chúng đều là những di vật văn hóa đồ vàng bạc từ thời nhà Nguyên, có giá trị kinh tế và giá trị nghiên cứu rất lớn.
Nhận thấy những món đồ cổ này rất có ích cho quá trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa đất nước, ông Hạ không suy nghĩ mà giao nộp chúng cho các chuyên gia. Quyết định này của ông Hà khiến nhiều người có mặt ở đó rất bất ngờ. Đa số đều cho rằng gia đình ông cụ không mấy khá giả, nếu đã may mắn tìm được những báu vật này thì nên giữ lại một ít rồi đem bán đi lấy tiền để trang trải cuộc sống.
Ảnh minh họa: Sohu
Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng hành động cho đi của ông Hà lại được các chuyên gia Tử Cấm Thành đánh giá rất cao. Sau khi biết được hoàn cảnh của gia đình ông, họ đã quyết định trao thưởng cho ông cụ này bằng khen và 100.000 NDT. Tuy giá trị của phần thưởng này là không nhiều so với những báu vật mà ông Hà tìm được trước đó, thế nhưng nó cũng phần nào giúp ông cụ này nhẹ gánh về kinh tế hơn. Đây cũng là cách mà các cơ quan chức năng vinh danh những đóng góp của người dân trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ những di vật văn hóa của đất nước.
Trên thực tế, đây không phải câu chuyện của riêng ai mà là của chung - những thế hệ sau của những nền lịch sử lâu đời. Mỗi quốc gia sau hàng nghìn năm thăng trầm lịch sử có lẽ vẫn sẽ còn rất nhiều cổ vật, di sản văn hóa trôi nổi chưa thể tìm thấy. Khi chúng ta vô tình phát hiện ra chúng nhưng không chắc chắn thì hãy báo cáo các chuyên gia, các cấp hay ban ngành liên quan để giúp xác định rõ nguồn gốc cho những món đồ đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa quý giá này.
(Theo Sohu)