Đằng sau cú "bốc đầu" của cổ phiếu lúa gạo TAR, AGM, LTG…

Tri Túc | 16:19 24/07/2023

Nhóm lúa gạo đã và đang trong xu hướng tăng tốt, khi tình hình xuất khẩu nửa đầu năm rất khả quan.

Đằng sau cú "bốc đầu" của cổ phiếu lúa gạo TAR, AGM, LTG…

Thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo được giới chuyên gia đánh giá là tin tốt cho doanh nghiệp có sẵn hàng tại Việt Nam.

Bởi, động thái của Ấn Độ xuất hiện cùng với nguồn cung trên thế giới gần đây hạn chế, nên nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang tập trung lo xử lý các đơn hàng đã ký. Do đó, động thái của Ấn Độ trước mắt mở ra cơ hội cho những đơn vị nào có hàng tồn kho.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho rằng, nếu ký tiếp hợp đồng mới trong khi tồn kho không có, còn giá thị trường nội địa biến động như hiện nay thì rất tiềm ẩn rủi ro. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trước mắt chưa ảnh hưởng lớn, tuy nhiên sau đó giá gạo được dự báo sẽ tăng.

Ghi nhận, giá lúa ở ĐBSCL những ngày gần đây tăng 200-400 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7/2023. Đơn cử tại An Giang, giá lúa IR50404 lên mức 6.700-6.900 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 có giá 6.800-7.000 đồng/kg; lúa OM5451 ở mức 6.700-6.800 đồng/kg; lúa OM18 là 6.900-7.100 đồng/kg…

Điều này đã tạo nên động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu lúa gạo.

Phiên giao dịch đầu tuần (24/07), nhóm cổ phiếu lúa gạo bật tăng mạnh, riêng mã TAR của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An và AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang bật trần, dư mua.

gao.jpg

Trong đó, TAR chốt phiên với 20.100 đồng/cp, thanh khoản hơn 7 triệu cổ phiếu, tăng gấp đôi thị giá sau hơn 4 tháng giao dịch. Được biết, Trung An là doanh nghiệp lúa gạo lâu đời thành lập vào năm 1996. Đến nay, Công ty đã phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu liên kết.

Ghi nhận sau ĐHĐCĐ thường niên mới đây, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư 15.000 ha tại Phú Yên của Trung An. Bộ NN-PTNT đề xuất dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, trong đó Trung An vận hành 100.000 ha.

Từ tháng 8/2020, Trung An đã xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An theo đó chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của Công ty.

Năm 2022, Công ty đạt doanh thu thuần 3.700 tỷ - tăng mạnh 22% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch; chủ yếu nhờ doanh thu bán gạo trong nước tăng 28% trong khi giá trị xuất khẩu giảm 6%. Lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 đạt 75 tỷ đồng.

Sang năm 2023, Trung An đặt kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ, tăng nhẹ song lợi nhuận dự kiến giảm còn 50 tỷ đồng. Nói về kế hoạch đi lùi trong khi xuất khẩu tăng và giá gạo tăng, Trung An cho biết đầu vào từ hộ nông dân thực tế cũng tăng mạnh; chưa kể lãi suất cũng tăng khiến chi phí trong năm ghi nhận tăng đáng kể.

tar.png

Cùng tăng trần còn có AGM, chốt phiên tại mức 6.510 đồng/cp. Dù biến động khá mạnh, cổ phiếu AGM cũng đang trong xu hướng tăng.

Về Agimex, đây được biết đến là doanh nghiệp có thâm niên tại tỉnh An Giang với 6 nhà máy cùnh 4 kho lưu trữ. Công ty từng được Nguyễn Kim rót vốn trong chiến lược đầu tư mạnh vào mảng lúa gạo năm nào. Dù vậy, sau khi bị thâu tóm bởi nhóm Louis, Agimex đang thực hiện tái cấu trúc, giải quyết các dư nợ tồn đọng.

Trên thị trường, cổ phiếu AGM đã bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch từ 23/5/2023 do chậm nộp BCTC quá 45 ngày so với thời gian quy định.

agm.png

Cổ phiếu của các doanh nghiệp còn lại cũng đồng loạt tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Thực tế, nhóm lúa gạo đã và đang trong xu hướng tăng tốt, khi tình hình xuất khẩu nửa đầu năm rất khả quan.

6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 năm 2023 ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đằng sau cú "bốc đầu" của cổ phiếu lúa gạo TAR, AGM, LTG…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO