Sau khi mâu thuẫn với Ukraine nổ ra, nhiều công ty phương Tây, bao gồm McDonald’s và Caterpillar, đã rời khỏi Nga và một số công ty đã phải bán tài sản ở nước này với mức chiết khấu lớn.
Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách của phương Tây đối với Nga và Ukraine, tham gia đàm phán với Nga nhưng không có Ukraine hay các nước EU. Ngoài ra, ông Trump cũng đề cập đến việc hạ giá dầu, trong khi Nga là nước xuất khẩu lớn.
Hôm 18/2, hãng tin Tass đưa tin, phái đoàn Nga với đại diện là Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, trợ lý tổng thống Yury Ushakov và Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev. Phái đoàn Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên về Trung Đông Stephen Witkoff.
Các cuộc đàm phán cấp cao giữa phái đoàn Nga và Mỹ đã kết thúc tại Riyadh. Cuộc họp kéo dài khoảng 4 tiếng rưỡi tại một trong những cung điện của hoàng gia Al Diriyah trong khu phức hợp Albasateen.
Ngay sau sự kiện này, Dmitriev cho biết ông dự đoán một số công ty Mỹ sẽ quay lại với thị trường Nga vào quý II năm nay.
Ông cho biết thêm: “Nhưng quá trình quay trở lại của các công ty Mỹ sẽ không dễ dàng vì nhiều thị trường ngách đã bị ‘người chơi’ khác chiếm thị phần.”
Khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay với một nền kinh tế lớn, Nga đã nhanh chóng hành động để “lách” các lệnh trừng phạt và các nhà sản xuất trong nước cũng giành được thị phần trước đây được một số công ty quốc tế lớn nắm giữ.
Trong bối cảnh Mỹ và Nga tham gia các cuộc đàm phán quan trọng, một số quan chức ở Nga kỳ vọng mối quan hệ kinh tế giữa Moscow và các nước phương Tây cũng sẽ được nối lại.
Theo ông Dmitriev, người từng làm việc Goldman Sachs và McKinsey, các doanh nghiệp Mỹ đã mất 324 tỷ USD khi rời khỏi Nga - quốc gia có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Dmitriev đã chỉ ra các số liệu tính toán của Reuters cho thấy lĩnh vực IT và truyền thông của Mỹ mất 123 tỷ USD, lĩnh vực người tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ mất 94 tỷ USD và tài chính mất 71 tỷ USD.
"Rất nhiều tài sản của doanh nghiệp Mỹ đã được bán với mức định giá về cơ bản là rất rẻ", Dmitriev nói với Reuters vào thứ Ba tại Riyadh.
Các công ty phương Tây cũng xác nhận họ ghi nhận khoản lỗ tổng cộng là 107 tỷ USD do bán tài sản với giá chiết khấu và mất doanh thu, theo phân tích của Reuters vào tháng 3/2024.
Dmitriev cho biết ông tin rằng các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ đã "kinh doanh rất thành công ở Nga" "vào một thời điểm nào đó" sẽ quay trở lại. Ông chỉ ra: "Tại sao họ lại từ bỏ những cơ hội để tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga?"
Hiện tại, Nga gặp áp lực lớn trong việc lấp đầy "khoảng trống" do các công ty dịch vụ dầu khí phương Tây như Halliburton và Baker Hughes để lại, những công ty đã rời đi sau khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực. Các chuyên gia cũng Nga thừa nhận rằng nước này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị của phương Tây.
Ông Dmitriev nhấn mạnh rằng các dự án chung giữa Mỹ và Nga, đặc biệt là ở Bắc Cực, sẽ có lợi cho cả hai bên.
Trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông muốn gây áp lực lớn nền kinh tế của Nga, mặc dù nước này ghi nhận đà tăng trưởng nhanh hơn cả Mỹ hay Liên minh châu Âu vào năm 2023 và 2024.
Trong khi đó, ông Trump nhiều lần cho biết ông muốn giá dầu thấp hơn và để đạt được mục tiêu này, ông sẽ cần sự hỗ trợ từ Nga và Ả Rập Xê Út, 2 nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Tham khảo Reuters