Dự thảo thuế TTĐB dự kiến bổ sung mặt hàng nước giải khát (NGK) có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam ("TCVN") với với hàm lượng đường trên 5mg/l vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%.
Quốc hội và Chính phủ quyết tâm với mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt trên 8% và hai con số trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã giao các mục tiêu rất cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương, trước mắt, cho năm 2025.
Tại Kỳ họp thứ 9 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét thông qua Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Để tiếp tục cung cấp thông tin phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, trước khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, chiều 4/4, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Tọa đàm "Cung cấp thông tin về ngành Nước giải khát và dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)".
Ngành đồ uống lo ngại tác động kép từ thuế đối ứng
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngoài áp lực từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngành đồ uống còn lo ngại tác động kép từ thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ vừa công bố hôm 2/4.
"Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử việc Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam", ông Việt nói và nhấn mạnh, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải nỗ lực rất nhiều để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số cho giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Việt, một trong những mũi nhọn, động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng là "đẩy mạnh xuất khẩu" sẽ bị tác động nặng nề. Vì vậy, cần xem xét các động lực bền vững từ chính các sức mạnh nội tại, trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp để có thể đóng góp nhiều hơn vào động lực tăng trưởng.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế kiến nghị chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường >5gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu và đánh giá đầy đủ tác động kinh tế trong bối cảnh rủi ro quốc tế đang gia tăng, mà mới đây nhất là việc Hoa Kỳ dự kiến áp thuế lên đến 46% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)
Bên cạnh đó, tác động của việc công cuộc tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương, cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng chưa có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả của sắc thuế này đối với việc điều tiết hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong khi lại là một sắc thuế mang tính phân biệt đối xử.
Còn theo bà Nguyễn Minh Tâm, đại diện Tiểu ban Nước giải khát VBA cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ tác động tới ngành đồ uống mà còn ảnh hưởng tới những ngành liên quan, như bán lẻ, bao bì, mía đường, vận chuyển, du lịch, …
"Việc tăng thuế đột ngột sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong nhiều ngành. Điều này làm trầm trọng hơn những bất lợi và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi Hoa Kỳ vừa áp mức thuế 46%", bà Tâm bày tỏ.
Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giãn thuế, bà Tâm coi đây là biện pháp giúp doanh nghiệp và thị trường có thêm thời gian thích ứng, giảm thiểu tác động đột ngột đến người tiêu dùng và chuỗi cung ứng. Đồng thời, có thêm điều kiện đa dạng hóa danh mục hàng hóa, cải tiến quy trình sản xuất để tối ưu chi phí.
Theo bà Tâm, thông thường cần khoảng 24 tháng để có nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai đồng loạt tương ứng với điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và tài chính là khung thời gian phù hợp.
Tăng thuế cao đột ngột có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Quản trị, Đảm bảo hoạt động và Danh tiếng Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát cho biết, hiện chưa có cơ sở khoa học khẳng định nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì.
"Người tiêu dùng rất nhạy cảm với yếu tố giá nước giải khát. Việc áp thuế không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất mà còn tới hàng triệu người lao động thuộc chuỗi giá trị, từ người nông dân trồng nguyên liệu, công nhân, đại lý, nhà phân phối", ông Hưng bày tỏ.
Bổ sung thêm ý kiến, ông Bùi Khánh Nguyên, Phó TGĐ Đốc đối ngoại truyền thông & Phát triển bền vững, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam cho biết, chính sách cần dựa trên sự công bằng theo 2 tiêu chí. Thứ nhất, chính sách thuế phải dựa trên cơ sở khoa học. Cần lưu ý nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả. Nhóm sử dụng và nhóm đối chứng. Cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn, độ tin cậy cao hơn.
Thứ hai, ông Nguyên cho rằng, nếu đánh thuế thì cần áp dụng toàn diện, không nên chỉ nhắm vào một sản phẩm mà bỏ qua các sản phẩm có đường khác. Nếu đánh thuế vì sản phẩm chứa đường thì cần đánh thuế đường, bánh kẹo, sô-cô-la, trà sữa v.v). Nếu đánh thuế sản phẩm có hại cho sức khỏe đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên, mỳ gói, đồ uống chưa cafein v.v. Sản phẩm nào cũng có tính hai mặt. Cần lưu ý sản dụng như thế nào, hợp lý nếu dùng công cụ đánh thuế không giải quyết được vấn đề.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nêu quan điểm: Cần cân nhắc lại lộ trình tăng thuế cho cả ngành bia lẫn nước giải khát (nếu Quốc hội thông qua áp dụng). Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ, việc áp thuế TTĐB với các kịch bản cao và áp dụng ngay sẽ tác động mạnh đến ngành đồ uống và đến toàn bộ nền kinh tế.
Việc tăng thuế đột ngột cao có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo mà Nghị quyết 192/2025/QH15 của Quốc hội đã đề cập.
Với kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2024, mức thuế 5% là mức khuyến nghị đối với sản phẩm nước giải khát – nhóm sản phẩm lần đầu tiên bị áp thuế TTĐB.
"So với phương án thuế suất 10%, măc dù vẫn có tác động tiêu cực đến nền kinh tế trên các khía cạnh, mức thuế 5% có mức độ tác động giảm nhẹ hơn nhiều, giảm tác động đối với doanh nghiệp mà vẫn điều tiết được tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách", ông Việt cho hay.