Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra đặc biệt EVN

PV | 17:02 06/06/2023

Trả lời phỏng vấn của vov.vn, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra đặc biệt EVN
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Media Quốc hội

EVN chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao phó

Liên quan đến vấn đề Tập đoàn điện lực Việt Nam liên tục báo lỗ lớn trong thời gian qua trong khi các công ty con vẫn báo lãi và có đến hàng vạn tỷ đồng gửi ngân hàng, trả lời VOV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ cần thanh tra đặc biệt với EVN.

Trao đổi về tình trạng EVN đang cắt điện luân phiên trên cả nước, nhất là tại các đô thị với mật độ dân số cao, khiến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị đảo lộn, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt câu hỏi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng.

Theo đó, ông Vân cho rằng EVN là một trong những thiết chế kinh tế trụ cột, có sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có cả việc bảo đảm cung cấp điện sản xuất, cho quản lý và cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng thiếu điện và cắt điện sinh hoạt của người dân xuất hiện nhiều nơi trong cả nước, các nhà máy sản xuất điện ở miền Bắc phải giảm sản xuất điện, do EVN cắt điện 50%.

Cũng theo đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, việc cắt điện sinh hoạt của người dân trong những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng với nhiệt độ tăng cao đang diễn ra chưa phản ánh đúng tinh thần phục vụ nhân dân là rất đáng trách.

“Điều này khẳng định rằng nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của EVN không hoàn thành. Vậy ý nghĩa là một Tập đoàn kinh tế của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của ngành điện như thế nào? Tinh thần phụng sự nhân dân như thế nào, có hoàn thành hay không? Tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo làm rõ vấn đề này”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Câu hỏi khó: Vì sao EVN không cân đối được nguồn điện?

Đối với vấn đề phát triển nguồn điện, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân câu hỏi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng.

“Nếu thiếu đường truyền tải, tại sao lại không cho các DN khác (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đầu tư thêm 1 đường dây 500 kV thứ 2? Trong 10 năm qua, giá điện tăng đến 8 - 9 lần, cụ thể từ năm 2011 đến nay, giá điện đã tăng khoảng 30%, từ mức giá 1.304 đồng lên 1.920,3732 đồng. Còn từ 1/3/2009 đến nay, giá điện bình quân của EVN đã nhiều lần điều chỉnh, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng gần 100% - ngang bằng mức tăng lương cơ sở của cán bộ, công nhân viên”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu vấn đề.

Liên tục báo lỗ là khó chấp nhận

Liên quan đến việc EVN liên tục báo lỗ nặng thời gian qua, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng hiện nay đang trực tiếp quản lý khai thác một số nhà máy điện, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu và các nhà máy điện khác ở Tuyên Quang, Trị An, Ialy, Sê San…Về cơ bản, đến nay các nhà máy điện này đã hết khấu hao, không phải mất chi phí nguyên liệu đầu vào, chỉ việc khai thác và lãi nên nói lỗ là điều khó có thể chấp nhận.

Nhiều ý kiến từ người dân cho rằng, việc cắt giảm điện trong lúc nắng nóng là có chủ ý của EVN nhằm gây sức ép để tăng giá điện”, đại biểu Lê Thanh Vân nói với VOV.

Bên cạnh đó, theo ông Vân, hiện nay, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, 3/7 nhà máy điện than không chạy hết công suất do yếu tố kỹ thuật (nước lò bị nóng). Các nhà máy điện do EVN quản lý đóng góp vào tổng công suất của điện năng toàn quốc khoảng 11%, còn 12% là do EVN cổ phần hóa với các doanh nghiệp khác. Số điện còn lại là mua, bán điện với các tổ chức kinh tế bên ngoài, trong đó đáng kể nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Than khoáng sản. Trong cơ cấu điện năng, điện than vẫn đang chiếm 32%.

Đối với điện năng lượng tái tạo, ông Vân cho biết, vừa qua tại cuộc họp Tổ Đại biểu Quốc hội thảo luận về KT-XH, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, một đất nước có thể gọi là cường quốc về điện gió và điện mặt trời, nhưng đến bây giờ tỷ trọng điện năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện chỉ chiếm khoảng 26%.

“Tôi không hiểu ngành điện bao nhiêu năm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đầu tư cho khai thác và có cả những chiến lược phát triển như thế; Với những “tài năng trẻ” thăng tiến như trên trời rơi xuống, mà bây giờ EVN luôn báo lỗ hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và điện cung ứng cho sản xuất, quản lý, tiêu dùng vẫn luôn ở trạng thái bấp bênh”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ thanh tra đặc biệt EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO