Đại biểu Quốc hội: “Các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để từng bước được phục hồi”

Minh Tâm (tổng hợp) | 09:39 24/06/2023

Đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để thuận lợi hơn trong việc kinh doanh và từng bước được phục hồi.

Đại biểu Quốc hội: “Các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để từng bước được phục hồi”

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Quốc hội diễn ra chiều 23/6, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng Dự thảo Luật còn nhiều quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đơn cử, khoản 2 Điều 25 quy định, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý thị trường bất động sản để được bán, cho thuê, mua. Cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phải có trách nhiệm kiểm tra về điều kiện của nhà ở và trả lời bằng văn bản nếu nhà ở không đủ điều được bán, cho thuê mua.

Tương tự, khoản 4 Điều 32 quy định, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo hình thức phân lô bán nền trong dự án bất động sản, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo gửi cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh và phải được chấp thuận.

“Đây là những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường hậu kiểm, áp dụng chế tài nếu các chủ đầu tư dự án vi phạm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để thuận lợi hơn trong việc kinh doanh và từng bước được phục hồi. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bỏ quy định này trong Dự thảo”, ông Thanh nói.

Về thủ tục chuyển toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tại khoản 3 Điều 43 dự thảo Luật quy định trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, sau khi đã quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các bên đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng, thủ tục sẽ thực hiện như sau:

230620230309-z4456914132740_0d01aa6c16ac11db545b1d3679eccb83.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. (ảnh quochoi.vn)

Bước một, bên chỉ ngoài thực hiện thủ tục trả lại đất cho Nhà nước. Bước hai, bên nhận chuyển đổi sau khi được công nhận là chủ đầu tư dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của luật về đất đai.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, việc đầu tư phải thực hiện thủ tục theo đúng hướng bên chuyển đổi trả lại đất đai sau khi Nhà nước giao đất cho bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được công nhận là chủ đầu tư dự án sẽ làm phức tạp thêm thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện các hoạt động chuyển nhượng. Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng có ý nghĩa về các yếu tố, điều kiện của bên nhận chuyển nhượng đã được thẩm định. Vì vậy, thủ tục thành 2 bước như vậy như dự thảo là không hợp lý.

Từ bất cập trên, đại biểu đề nghị Cơ quan thảo luận xem xét sửa đổi thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tương tự như các trường hợp chuyển nhượng của tổ chức kinh doanh quốc tế có vốn trong nước.

Theo đó, sau khi bán, chuyển nhượng gửi hồ sơ đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng dự án phải ký kết hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao dự án.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các nội dung đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (ảnh quochoi.vn)

Về thời hạn sở hữu công trình xây dựng công trình nhà chung cư theo niên hạn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị gắn với tình hình thực tế. Việc mua bán nhà ở phải gắn liền với không gian với đất. Chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến nhà đất cho người mua, đảm bảo trách nhiệm của các chủ đầu tư. Về sàn giao dịch bất động sản cần đảm bảo chặt chẽ việc hoạt động chuyên nghiệp, an toàn.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, theo quy định chặt chẽ nhiệm vụ của chủ đầu tư phải làm các thủ tục liên quan đến dự án kinh doanh bất động sản cho người mua và kể từ ngày hết hạn thuê mua để được cơ quan Nhà nước thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm bổ sung khoản 3 Điều 18 về thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở, công trình xây dựng là các nội dung liên quan đến các loại hình như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, đảo đảm đồng bộ về trách nhiệm của chủ đầu tư trong các loại hình dự án bất động sản cũng giống như bảo đảm tính hệ thống nhất với các điều khoản có liên quan của luật này.

Đối với các quy định về sàn giao dịch bất động sản tại Điều 57 của dự thảo luật đã thu hút sự quan tâm và tranh cãi liên quan đến việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch bất động sản sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức không chỉ thuận lợi trong công việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất sản mà còn đảm bảo tính chặt chẽ cũng như cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn và khi luật được Quốc hội thông qua đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội: “Các doanh nghiệp bất động sản đều đang hết sức khó khăn, cần được tháo gỡ về thủ tục pháp lý để từng bước được phục hồi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO