Cuộc họp khẩn tại Tencent: Chủ tịch dằn mặt nhân viên chểnh mảng, tham nhũng, dọa sẽ khai tử một số dịch vụ lâu đời

Vũ Anh | 10:58 23/12/2022

Mặt tối của đế chế Internet 400 tỷ USD vừa bị tỷ phú Pony Ma phơi bày trong một cuộc họp chỉ trích nội bộ.

Cuộc họp khẩn tại Tencent: Chủ tịch dằn mặt nhân viên chểnh mảng, tham nhũng, dọa sẽ khai tử một số dịch vụ lâu đời

Tỷ phú Pony Ma, đồng sáng lập tập đoàn Tencent Holding, vừa lên tiếng chỉ trích các nhân viên làm việc chểnh mảng, thậm chí tham nhũng trong nội bộ, theo Bloomberg. Động thái trên cho thấy sự thất vọng hiếm hoi của vị lãnh đạo vốn nổi tiếng với cách cư xử ôn hòa. 

Cụ thể, Pony Ma triệu tập cuộc họp khẩn, đích thân chấn chỉnh lại cách các nhân viên của mình quản lý doanh nghiệp, từ lĩnh vực mạng xã hội đến trò chơi điện tử, với thông điệp: “Tất cả phải cùng nhau đồng lòng”. 

“Công ty khó khăn vậy mà bạn vẫn có thời gian thư giãn vào cuối tuần ư?”, Pony Ma nói. 

Tencent và Alibaba - hai tập đoàn góp công gây dựng ngành công nghiệp Internet tỷ USD cho Trung Quốc, đang chứng kiến sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng. Nguyên nhân một phần đến từ động thái siết chặt giám sát các doanh nghiệp tư nhân của chính phủ đại lục. 

Được biết, mảng kinh doanh trò chơi của Tencent đã bị ảnh hưởng nặng nề sau các quy định hạn chế về độ tuổi, trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước rủi ro suy thoái. Điều này khiến gã khổng lồ buộc phải cắt giảm hàng nghìn việc làm để thu hẹp lực lượng lao động, lần đầu tiên sau gần một thập kỷ.

Trước đây, Ma thường duy trì giọng điệu lạc quan trước công chúng, ca ngợi nỗ lực “làm sạch” Internet và tái cấu trúc ngành công nghiệp trò chơi. Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng các quy định gần như đã hoàn thành và Tencent có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng như trước. Tuy nhiên, trong bài phát biểu vừa qua, mặt tối của đế chế Internet trị giá 400 tỷ USD đã bị Ma phơi bày. 

1x-1-52-.jpg
Mặt tối của đế chế Internet 400 tỷ USD vừa bị tỷ phú Pony Ma phơi bày trong một cuộc họp chỉ trích nội bộ.

Cụ thể, ông lên án bộ phận trò chơi phung phí tiền bạc, vội vã cho ra mắt các tựa game khi chưa kiểm soát kỹ chất lượng. Ma cũng khiển trách một số cá nhân “hời hợt”, chưa cố gắng, trong khi vấn nạn tham nhũng còn tồn tại. Ngay cả mảng điện toán đám mây tương đối non trẻ cũng bị phê bình vì chiếm thị phần Alibaba và Huawei một cách lãng phí. 

Chỉ trích nặng nề nhất của Ma chủ yếu dành cho mảng nội dung và nền tảng mạng xã hội lâu đời vốn đang mất dần vị thế trước các đối thủ như ByteDance, công ty mẹ TikTok. Được biết dịch vụ tin tức lâu đời của Tencent đang “chìm trong bóng tối” sau một số đợt cắt giảm và rất có thể sẽ bị khai trừ hoàn toàn nếu kết quả không được cải thiện.

“Mảng đó có thể bị cắt giảm không? Tôi đã trả lời mọi người là ‘có thể’, Ma nói với các nhân viên.

Theo Bloomberg, Tencent đang tập trung phát triển tính năng theo phong cách TikTok. Nếu thành công, doanh thu quảng cáo từ dịch vụ mới được kỳ vọng có thể sẽ vượt mốc 1 tỷ nhân dân tệ (143 triệu USD) trong quý IV, song song với các chính sách cắt giảm chi phí mạnh mẽ vào năm 2023. 

“Tôi nghĩ điều này nên trở thành một thói quen,” Ma nhấn mạnh. 

Được biết, Tencent, sau nhiều năm tích lũy cổ phần tại hàng trăm công ty công nghệ, đang dần thoái hàng tỷ USD tại các công ty niêm yết. Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Tencent, Prosus NV, thì cắt giảm phần lớn cổ phần tại một công ty trò chơi và truyền thông xã hội Trung Quốc, theo WSJ.

“Có cảm giác như những người tài ba nhất đang rời đi”, Jon Withaar, đại diện Pictet Asset Management, cho biết.

Theo Kerry Goh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Kamet Capital Partners hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, “triển vọng tăng trưởng toàn ngành không còn tốt như vài năm trước”. Ông cho biết các công ty Internet Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt cùng giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chống độc quyền. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải tìm cách tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận một cách tự nhiên thay vì nhờ các thương vụ mua bán như trước.

1200x-1-2022-12-23t103817.176.jpg
Tỷ phú Pony Ma, đồng sáng lập tập đoàn Tencent Holding, vừa lên tiếng chỉ trích các nhân viên làm việc chểnh mảng, thậm chí giấu tay tham nhũng trong nội bộ.

Được biết Tencent đã bán 3 tỷ USD cổ phần tại Sea trong năm nay, sau đó tuyên bố thoái tiếp 23,2 tỷ USD cổ phần tại công ty giao đồ ăn Meituan, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc mạnh tay siết chặt lĩnh vực công nghệ. John Choi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ Trung Quốc tại Daiwa Capital Markets cho rằng, động thái thoái vốn của Tencent có nhiều ẩn ý.

“Những lo ngại về chống độc quyền có thể là một trong những yếu tố chính, song không phải duy nhất bởi Tencent cũng phải xem xét các điều kiện thị trường hiện tại và hồ sơ hoàn vốn đầu tư”, ông Choi nói.

Theo các chuyên gia, những gì xảy ra với Tencent cho thấy những rủi ro mà các gã khổng lồ Internet phải đối mặt, nhất là khi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang được coi là trở ngại lớn nhất của đà phục hồi.

“Không có thông tin tích cực nào với Tencent trong phần còn lại của năm. Doanh thu của họ sẽ tiếp tục chịu áp lực từ môi trường vĩ mô. Ngay cả khi tình hình được cải thiện, thế giới vẫn đang trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ và khó có thể trở lại như trước”, Kenny Wen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại KGI Asia Ltd., cho biết. 

Theo: Bloomberg, WSJ 


(0) Bình luận
Cuộc họp khẩn tại Tencent: Chủ tịch dằn mặt nhân viên chểnh mảng, tham nhũng, dọa sẽ khai tử một số dịch vụ lâu đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO