Cú bắt tay của Kido và TikTok

Tri Túc | 13:47 20/11/2023

Câu hỏi đặt ra, tại sao TikTok lại cần KIDO trong cuộc chơi do mình làm chủ?

Cú bắt tay của Kido và TikTok

Tập đoàn KIDO (KDC) vừa kết hợp với TikTok ra phát triển dự án Entertainment & E-commerce (E2E) trên nền tảng TikTok. Hai bên đặt mục tiêu trở thành kênh thương mại giải trí bao gồm review ẩm thực, thời trang…. và là kênh thương mại đầu tiên trên nền tảng social cho các doanh nghiệp Việt Nam.

TikTok được biết đến là “thế lực” mạnh trên thương trường thương mại điện tử (TMĐT), chưa đầy 1 năm ra mắt đã vượt Sendo, Tiki để lọt Top 3 sàn TMĐT (báo cáo từ Metric cuối năm 2022). Trong đó, vũ khí của TikTok là mô hình thương mại kết hợp giải trí (Shoppertainment), tức thu hút follow bằng các nội dung quảng cáo và từ đó tận dụng ngược lại lượng traffic có được để bán hàng.

Thương vụ này theo ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO KIDO Group – là “thương vụ đầu tiên trên thế giới” của TikTok bắt tay với một doanh nghiệp (DN) để hoàn thiện cũng như đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thương mại giải trí.

“Thương vụ đầu tiên trên thế giới” của TikTok bắt tay với một DN lập nền tảng thương mại giải trí

Thực tế, với sự bùng nổ của social marketing, công nghệ, quá trình chuyển đổi số cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sau đại dịch, mô hình live shopping và livestreaming (phát trực tiếp)… đang phát triển ở nhiều nước, bao gồm Việt Nam.

Mặt khác, nhiều khảo sát chỉ ra rằng người tiêu dùng đang ở một giai đoạn phát triển mới, ưu tiên trải nghiệm mua sắm tích hợp kết hợp hiệu quả giữa trực tuyến và trực tiếp (livestream).

Ông Nguyên cho biết: “E-commerce, livestream là một trong những xu hướng đã nổi lên mạnh mẽ trên thế giới trong giai đoạn gần đây. Sự phát triển lớn mạnh của TikTok còn đem đến nhiều cơ hội cho các KOLs/KOCs cũng như các nhãn hàng trong việc quảng bá hình ảnh của thương hiệu, tạo nên làn sóng mới cho sự cải tiến chiến lược truyền thông trên các nền tảng nội dung số. Tuy nhiên, đây vẫn là những cá thể, mang tính cá nhân, riêng lẻ”.

Do vậy, E2E kỳ vọng tạo ra sân chơi giải trí kết hợp mua sắm tổng hợp hơn, chuyên nghiệp hơn trên nền tảng social. Hơn hết, E2E với quy mô lớn cam kết sẽ hỗ trợ DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang dần phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có thể tận dụng nền tảng logistics để tăng cơ hội kinh doanh trực tiếp với khách hàng.

Trong đó, E2E sẽ là nơi đăng tải những video review thời trang, ẩm thực, trải nghiệm sản phẩm…, các hoạt động trình diễn giải trí cùng những video giải trí độc quyền qua sự kết hợp với Tập đoàn truyền thông giải trí hàng đầu trong và ngoài nước để thu hút người theo dõi. Ngoài ra, E2E cũng sẽ tận dụng chỉ số đo lường từ TikTok, giúp DN nắm bắt được hành vi mua sắm của khách hàng tại từng khu vực.

Ngược lại, người tiêu dùng được phép sáng tạo, chia sẻ nội dung mình yêu thích, có những trải nghiệm mua sắm mới mẻ mọi lúc mọi nơi, tiếp cận các nhãn hàng chính hãng với những ưu đãi hấp dẫn.

e2e.png

“Cánh tay” nối dài trong cuộc chơi bán lẻ - TTTM của ông chủ KIDO

Đặc biệt, đây sẽ là lần đầu tiên tại Việt Nam, những thương hiệu từ trung tâm thương mại (TTTM) xuất hiện trên nền tảng TikTok. Hiện, ông Nguyên đang vận hành 2 TTTM lớn tại Tp.HCM là Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza. Theo kế hoạch, ông Nguyên dự kiến sẽ phát triển thêm một TTTM mới tại đường Trường Chinh, quận Tân Bình.

Như vậy, E2E này là nền tảng cho phép các DN đang thuê TTTM của ông chủ KIDO được tham gia bán hàng, thay vì chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng.

Ví dụ, các nhãn hàng không chỉ bán ở TTTM, mà họ cũng có thể livestream bán hàng cho các khách ở các tỉnh lẻ như Cần Thơ, Đà Nẵng…. Nếu chốt được đơn, E2E có cả logistics để hỗ trợ giao hàng cho khác ở tỉnh thành khác. Nhờ đó, DN không cần phải đầu tư để mở thêm các cửa hàng trực tiếp với chi phí quá lớn, hay đầu tư logistics với chi phí cũng không nhỏ cho việc bán hàng online tự thân.

Có 3 lý do chính để KIDO mở kênh E2E trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyên:

Thứ nhất, như đã đề cập, để xúc tiến thương mại trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. “Tất cả các DN từ lớn đến vừa và nhỏ đều đang gặp khó về đầu ra. Do đó, KIDO cũng xuất phát từ việc muốn bán được hàng, xúc tiến thương mại nên kết hợp với TikTok để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, song song tiết kiệm được nhiều chi phí”, ông Nguyên nói.

Mục tiêu E2E từ nay đến cuối năm muốn đạt được 100 triệu view trên nền tảng TikTok, song song đạt 500.000 người follow trên kênh E2E. Và khi đạt được traffic này rồi thì sẽ bán hàng e-Commerce, cùng với các kênh bán hàng truyền thống hiện nay của Tập đoàn.

Có một điểm khác với các kênh như đại lý hay MT (Modern Trade) hiện nay của chúng tôi, là bán hàng qua nền tảng E2E sẽ có chiều sâu hơn nhờ tương tác, quảng bá trực tiếp đến người dùng cuối, tiết kiệm được chi phí sales, marketing, logistics… Từ đó, giá bán cũng sẽ hấp dẫn hơn những kênh truyền thống hiện tại.

Thứ hai, E2E có thể xem là cánh tay” nối dài trong cuộc chơi bán lẻ - TTTM” của ông chủ KIDO. Hiện, KIDO được biết đến là Tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Theo số liệu trích dẫn từ Euromonitor, Tập đoàn này đang dẫn đầu thị trường ở ngành kem lạnh với thị phần 44,5%, trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,2% và thương hiệu Celano chiếm 19,2%.

Với thị phần 74,9%, KIDO cũng đứng đầu ngành bơ thực vật tại Việt Nam, đồng thời xếp vị trí thứ 2 ở ngành dầu ăn với khoảng 30% thị phần (theo tỷ lệ sở hữu và chi phối). Năm 2021, KIDO chính thức quay lại ngành hàng bánh với thương hiệu KIDO's Bakery sau 5 năm bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại.

Không chỉ hàng hoá KIDO, mà tất cả các DN đối tác của Tập đoàn cũng tham gia bán hàng trên E2E. Ông Nguyên cho biết thêm, trước khi ra mắt E2E Tập đoàn có làm việc với các nhãn hàng, thì họ rất vui và sẵn sàng đồng hành.

Cuối cùng, ngày nay việc xúc tiến thương mại thông qua tổ chức triển lãm ông Nguyên không còn hiệu quả, vì tổ chức một sự kiện lớn chỉ thu hút được vài trăm người mỗi ngày. Còn E2E có thể thu hút được mấy triệu người theo dõi mỗi ngày. Như vậy, E2E sẽ giúp DN có nhiều kênh bán hàng hơn. E2E cũng sẽ mua show từ nước ngoài, chương trình giải trí quốc tế… để tăng được traffic theo dõi

“Nền tảng thương mại điện tử mà mạnh ai nấy làm thì không hiệu quả, nếu chung tay phát triển thành một cộng đồng lớn thì chi phí sẽ giảm, hiệu quả tăng, hướng đến xu hướng chung”, ông Nguyên nhấn mạnh.

kdc-3.jpg
Ảnh: Đại diện TikTok và KIDO tại lễ ra mắt kênh E2E.

Còn TikTok – Họ được gì?

Về phía TikTok, họ rõ ràng là người tiên phong đồng thời được xem là “vua” của xu hướng mua sắm giải trí mới này. Câu hỏi đặt ra, tại sao TikTok lại cần KIDO trong cuộc chơi do mình làm chủ?

Tiktok cũng muốn đẩy mạnh E2E, để cùng với KIDO và các DN đối tác tăng tỷ lệ hàng chính hãng, chất lượng cho người dùng. Chưa kể, không phải DN nào cũng tham gia E2E được, vì phải thuê đội ngũ livestream, KOL… với chi phí rất cao.

Ông Nguyên nhận định chi phí khi các doanh nghiệp tự tạo tài khoản để bán hàng trên Tiktok sẽ cao hơn, vì lẽ đó, khi sử dụng nền tảng bán hàng E2E sẽ giúp các doanh nghiêp tối ưu được chi phí bán hàng.

Mặt khác, các nhãn hàng cũng được trực tiếp livestream, bán hàng hoá của mình theo đúng với chiến lược của nhãn. Khác với Lazada, Shopee… để có được traffic thì DN phải bán giá thấp để thu hút, còn E2E là kéo khách hàng từ traffic hiện hữu (tức có sẵn traffic rồi nên chi phí tiết giảm rất nhiều).

Ngoài ra, đã xây dựng nền tảng 5-10 triệu view thì tương lai xa hơn, TikTok rất cần DN có quy mô lớn như KIDO tham gia, chứ chỉ dừng lại ở DN mỗi ngày bán mấy triệu đồng (không ý nghĩa gì về lâu dài).

Một lý do khác, TikTok cũng đồng ý hiện nay những livestream bán hàng trên nền tảng của họ là tự phát, không chuyên nghiệp. Do đó, có những đối tác như KIDO, hai bên sẽ xây dựng cũng như hoàn chỉnh hoá các dịch vụ bán hàng giải trí này. Thông qua đó, không chỉ giúp các DN “happy” nhờ bán được nhiều hàng, tiếp cận được người dùng cuối mà chi phí cũng giảm đi rất nhiều.


(0) Bình luận
Cú bắt tay của Kido và TikTok
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO