CPI quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước

Nhật Đức | 10:38 29/03/2024

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước. Tính chung CPI quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm 2023.

CPI quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước
CPI tháng 3 giảm 0,23% so với tháng trước. Ảnh: Int

Lý giải về nguyên nhân chỉ số CPI giảm so với tháng trước, Tổng cục Thống kê cho rằng tháng 3/2024 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, theo quy luật tiêu dùng nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trên thị trường giảm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước. Trong đó, khu vực thành thị giảm 0,21% và khu vực nông thôn giảm 0,25%. So với tháng 12/2023, CPI tháng 3/2024 tăng 1,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,97%.

Tính chung quý I năm 2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

112.png
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3/2024 so với tháng trước. 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, các nhóm hàng hóa giảm giá bao gồm:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2024 giảm 0,76% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,25 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực giảm 0,42% do giá gạo trong nước giảm theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân giảm sau Tết Nguyên đán; nhóm thực phẩm giảm 1,19%, trong đó giá thịt lợn giảm 2,17%, giá thịt bò giảm 1,3%, giá thịt gia cầm giảm 1,7%, giá thủy sản tươi sống giảm 1,65%, giá quả tươi, chế biến giảm 2,64%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.

Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 0,29%, tác động làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,34% do một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí.

Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,03% chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,06%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,01%.

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0.07% theo quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm, trong đó giá rượu bia giảm 0,23%; đồ uống không cồn giảm 0.05%; riêng nhóm thuốc hút tăng 0.15% do giá đô la Mỹ tăng.

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0.06% do thời tiết các tỉnh miền Bắc ấm dần lên và người dân thắt chặt chi tiêu sau Tết. Trong đó, giày dép giảm 0.08% so với tháng trước; quần áo may sẵn giảm 0.06%; may mặc khác giảm 0.12%.

Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0.03%, trong đó: Chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 5.76%, chủ yếu do nhu cầu giảm sau dịp Tết Nguyên đán; chỉ số giá xăng tăng 0.72%; chỉ số giá dầu diezen giảm 1.15% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; dịch vụ rửa xe, bơm xe giảm 0.8%; dịch vụ trông giữ xe giảm 0.09%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0.36%.

Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0.01% chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng bao gồm:

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0.01%. Trong đó, giá một số mặt hàng tăng: Giá bàn là điện tăng 1.01%; đèn điện thắp sáng tăng 0.3%; quạt điện tăng 0.25%; đồ dùng nấu ăn tăng 0.2%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0.15%; dịch vụ sửa chữa thiết bị trong gia đình tăng 0.12%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0.03%.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0.02%, trong đó chỉ số giá thuốc các loại tăng 0.08% chủ yếu do một số mặt hàng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, chống viêm, thuốc dùng cho đường hô hấp tăng giá khi thời tiết chuyển mùa nồm ẩm tại một số địa phương miền Bắc.

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0.06%, chủ yếu tăng giá ở một số nhóm hàng: Nhóm đồ trang sức tăng 4.47%; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0.12%. Trong mùa cưới hỏi nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0.13%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0.29%, trong đó một số mặt hàng tăng giá: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0.15% và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0.33%, chủ yếu do giá cát tăng khi thiếu nguồn cung; giá điện sinh hoạt tăng 0,47%, nước sinh hoạt tăng 2.1% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá gas tăng 0.49% do từ ngày 01/3/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 2,000 đồng/bình 12 kg do điều chỉnh tỷ giá USD. Ở chiều ngược lại, giá dầu hỏa tháng 3/2024 giảm 0.1% so với tháng 02/2024 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/3/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.139,64 USD/ounce, tăng 5,21% so với tháng 02/2024. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng cao chủ yếu do các nhà giao dịch kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát; căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023; tăng 22,71% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024, chỉ số giá vàng tăng 18,23%.

Về chỉ số giá đô la Mỹ, giá đồng đô la Mỹ tăng sau khi FED thông báo duy trì lãi suất trong biên độ 5,25%-5,5%. Tính đến ngày 25/3/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,5 điểm, giảm 0,35% so với tháng trước. Trong nước, nhu cầu đô la Mỹ của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.837 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2024 tăng 0,88% so với tháng trước; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2024 tăng 3,97%.

Xét chung trong cả quý 1/2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3.77% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm giáo dục tăng 9.02%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6.51%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6.20%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5.40%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3.53%; đồ uống và thuốc lá tăng 2.33%; giao thông tăng 2.27%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1.54%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1.35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1.21%. Riêng bưu chính viễn thông giảm 1.46%.

Về chỉ số lạm phát, Tổng Cục Thống kê cho biết lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0.03% so với tháng trước và tăng 2.76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2.81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3.77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
CPI quý 1/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO