Sau 4 năm trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, đến nay, Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm thuộc tập đoàn Hồ Gươm đang tiến hành thu hoạch 27 ha vải thiều không hạt.
Vải không hạt được doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, quả vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Vỏ quả không bị cháy rám quả khi gặp nắng và dễ bảo quản. Đây là giống vải nhập khẩu từ nước ngoài, được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30ha.
Chia sẻ thêm với truyền thông, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết giống vải này được công ty hợp tác với Viện Di truyền Việt Nam lai tạo và canh tác theo phương pháp hữu cơ trồng tại nông trường Hồ Gươm - Sông Âm.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận giống và đây là nơi duy nhất ở Việt Nam trồng thành công vải thiều không hạt với quy mô lớn. Công ty chọn Ngọc Lặc, Thanh Hóa để trồng giống vải này vì địa phương phù hợp thổ nhưỡng khí hậu", ông Ninh nói.
Năm nay, Tập đoàn Hồ Gươm dự kiến thu hoạch khoảng 15-20 tấn vải thiều không hạt, phân phối ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện công ty đã có khách hàng ở Nhật Bản và đang đàm phán với thị trường khác như Singapore, Canada...
"Giá bán lẻ niêm yết dao động 250.000-320.000 đồng/kg, tùy bao bì và số lượng, kích thước trái vải. Cụ thể, công ty đang phân phối theo các hộp như hộp đặc biệt giá 800.000 đồng/hộp (chỉ sản xuất 200 hộp), hộp 2 kg giá 550.000 đồng/hộp, hộp 1 kg giá 280.000 đồng/hộp và hộp 500 gram giá 148.000 đồng/hộp", đại diện công ty cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên trái) thăm vườn vải không hạt tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
Tập đoàn Hồ Gươm thành lập vào năm 1992 tiền thân là phân xưởng may 2 thuộc xí nghiệp dịch vụ may Konfetimex. Đến năm 1995 chuyển thành xí nghiệp may thời trang Trương Định. Năm 1997, công ty mang tên May Hồ Gươm. Năm 1999 là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa, chuyển thành công ty CP May Hồ Gươm.
Hiện nay Tập đoàn Hồ Gươm có địa chỉ tại Tầng 10, Hồ Gươm Plaza, 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội.
Mảng may mặc: Theo giới thiệu, sau khi cổ phần hóa, công ty đã tiên phong trong việc mở rộng đầu tư ra các tỉnh, xây dựng Xí Nghiệp May đầu tiên tại Hưng Yên. Năm 2001, Công ty cổ phần May Hồ Gươm là doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ và được Bộ Thương Mại khen thưởng. Đến nay, Công ty cổ phần May Hồ Gươm đã có 10 nhà máy trên 9 tỉnh thành phía Bắc, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo công ăn việc làm cho hơn 3500 lao động.
Mảng bất động sản: Năm 2009, Tập đoàn Hồ Gươm khởi công xây dựng Hồ Gươm Plaza với công năng là tổ hợp căn hộ cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại. Diện tích đất là 10.400 m2, diện tích sàn xây dựng là 170.000 m2, đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng tại Mộ Lao – Hà Đông.
Ngoài ra, Tập đoàn Hồ Gươm đang triển khai các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành như Hoà Bình với 2 dự án là Hồ Dụ và lòng hồ Sông Đà thuộc xã Suối Hoa và các dự án khác đang trong quá trình nghiên cứu tính khả thi tại các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Yên Bái.
Mảng nông nghiệp công nghệ cao: Năm 2014, tập đoàn Hồ Gươm đầu tư thêm vào một lĩnh vực mới – Nông nghiệp sạch công nghệ cao với trang trại tía tô xanh xuất khẩu Nhật Bản được xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh với diện tích 11,4ha, đầu tư hơn 150 tỷ đồng, được trang bị chuyên nghiệp hiện đại theo tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản.
Qua đó, tập đoàn đã xuất khẩu nông sản sạch đủ tiêu chuẩn để ăn sống sang thị trường Nhật Bản, một thị trường khắt khe bậc nhất thế giới với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hàng đầu thế giới về thực phẩm.
Tiếp nối trang trại ở Bắc Ninh tập đoàn liên tục mở rộng quy mô lĩnh vực nông nghiệp khi đầu tư vào nông trường Hồ Gươm – Sông Âm ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa với diện tích gần 1000 ha hiện đang trồng cây bơ Hass – 1 loại bơ có hàm lượng tinh dầu & dinh dưỡng cao bắt đầu cho ra trái để chuẩn bị xuất khẩu đi Israel và Châu Âu, cây vải không hạt, cây thanh long ruột đỏ.
Ngoài ra còn có nông trường Hồ Gươm – Hoàng Lan tại huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai diện tích gần 600 ha với các loại cây ăn quả nhiều tiềm năng xuất khẩu cao như dứa, bưởi da xanh, cam. Nông trường Hồ Gươm - Hà Giang ở huyện Bắc Mê diện tích hơn 300 ha trồng các loại cây ăn quả như chuối, bưởi ruby, cam và quế.
Nhận thấy triển vọng của thị trường nông sản tập đoàn cũng bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản chất lượng cao là một mũi nhọn của tập đoàn.
Ngoài ra, Tập đoàn Hồ Gươm còn đầu tư giáo dục với trường đại học Trưng Vương ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Tập đoàn Hồ Gươm gắn với tên tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản trị, nữ doanh nhân Ninh Thị Ty. Bà Ty nguyên là Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam, là người nổi tiếng dám nghĩ dám làm và tiên phong trong việc đưa hàng may mặc Việt Nam vào thị trường Mỹ. Năm 2009, bà được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Cũng chính bà Ty là người đã định hướng cho Tập đoàn Hồ Gươm đầu tư sang lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao sau khi thực nghiệm, học hỏi tại Israel.