Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 so với cùng kỳ đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chuyên đo lường sự thay đổi của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5 chỉ tăng 0,1%, đưa tỷ lệ lạm phát xuống còn 4%. Đây là mức tăng ít nhất kể từ tháng 3/2021, thời điểm lạm phát bắt đầu tăng dần cho đến khi đạt đỉnh của 41 năm.
Với cơ sở này, các nhà đầu tư hiện đang dự đoán gần như 100% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất sau khi cuộc họp tuần này kết thúc.
Dù vậy, xét tới tác động với Việt Nam, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC, đây chưa phải là một thông tin tốt đồng thời sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.
Theo ông Hiệp, việc CPI Mỹ tháng 5 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ chưa phải tin tốt. Thoạt nhìn qua thông tin CPI giảm mạnh sẽ thấy tích cực. Tuy nhiên, để đánh giá khách quan, đây là một thông tin không nổi bật do 2 yếu tố.
Thứ nhất, CPI giảm mạnh vì yếu tố nền cao. Nhìn vào biểu đồ CPI, có thể thấy giai đoạn tháng 6/2022, lạm phát Mỹ tăng rất mạnh, mức nền so sánh cao khiến CPI trong giai đoạn của năm 2023 sẽ chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Yếu tố này có thể sẽ tiếp tục cho kì CPI tháng 6, dự báo sẽ chỉ đạt 3,2% YoY).
Tuy nhiên, cần thận trong khi yếu tố nền so sánh cao sẽ kết thúc sau tháng 7. Giả định lạm phát Mỹ sẽ chỉ tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước từ nay đến cuối năm 2023, có thể thấy lạm phát so với cùng kỳ sẽ quay đầu tăng trở lại và đạt 3,9% trong tháng 12. Do đó, vị chuyên gia tới từ DSC nhận định báo cáo CPI lần này chưa phải là tốt, nó thực chất đã được dự đoán và không có gì nổi bật cả.
Thứ hai, tuy CPI giảm nhưng CPI Lõi vẫn rất cao, đạt mức tăng 5,3% so với cùng kỳ. Có thể thấy, tất cả các cấu phần CPI, trừ năng lượng, đều vẫn đang ở mức rất cao. Cấu phần năng lượng giảm cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng đang giảm dần. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế đang suy yếu trong khi lạm phát lõi vẫn tăng cao. Thậm chí ông Hiệp còn cho đây là tín hiệu xấu.
"Không có nhiều tác động tới chứng khoán Việt Nam"
Xét tới tác động tới thị trường chứng khoán, thông thường thông tin về CPI sẽ tác động nhiều đến chứng khoán thế giới dựa trên ảnh hưởng từ kì vọng và tác động chính sách gián tiếp.
Về kì vọng, hiểu một cách đơn giản thì nhà đầu tư có thể kì vọng nếu CPI giảm tốt, FED có thể sớm giảm lãi suất điều hành, từ đó làm tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa của quốc gia này và tạo dư địa cho Việt Nam tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ông Hiệp chỉ ra rằng CPI trong xu hướng giảm là điều ai cũng đã biết. CPI đạt 4% cũng chỉ thấp hơn chút đỉnh so với mức dự kiến (4,1%). Thêm vào đó, phần CPI lõi vẫn rất cao, ở mức 5,3%. Do đó, FED nhiều khả năng vẫn sẽ giữ mức lãi suất điều hành ở mức cao 5% cho đến hết năm nay. Như vậy, về mặt kì vọng không nhiều thay đổi
Về tác động chính sách, Việt Nam đã đi ngược với thị trường quốc tế khi NHNN đã liên tiếp hạ lãi suất điều hành 3 lần kể từ trung tuần tháng 3. Việt Nam cũng đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, các chính sách này cần thời gian để thẩm thấu, thông thường từ 4 – 6 tháng và cũng cần thêm sự phục hồi của thị trường quốc tế trước khi có thể quay trở lại pha tăng trưởng mạnh. Do đó, ông Hiệp cho rằng thông tin CPI này không mang lại nhiều thay đổi về mặt tác động chính sách của Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán.