Trước khi đến Đài Loan (Trung Quốc), Đặng Nhựt Hào không biết gì về chất bán dẫn.
Lớn lên ở Đồng Tháp — một tỉnh miền Nam Việt Nam nổi tiếng với cánh đồng lúa, sếu đầu đỏ và những đầm hồ ngập tràn hoa sen — Nhựt Hào yêu thích sinh học và may mắn trúng tuyển vào một trong những chương trình danh giá nhất của Thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2019. Tuy nhiên, do gia đình không đủ khả năng chi trả học phí, năm 18 tuổi, Hào quyết định vay 80.000 đô la Đài Loan (2.450 USD), đến Đài Bắc để tham gia chương trình thực tập kỹ thuật bán dẫn và quang điện tử.
“Mặc dù chi phí sinh hoạt và học phí ở đây cao hơn ở Việt Nam, nhưng tôi có thể tự kiếm tiền, tự chi trả mọi thứ và nuôi sống bản thân”, Nhựt Hào, người đã tốt nghiệp, chia sẻ với Rest of World.
Nhựt Hào là một trong số hàng nghìn thanh thiếu niên từ Đông Nam Á được tuyển dụng vào các chương trình thực tập từ năm 2017, cuối cùng chọn làm việc tại các nhà máy bán dẫn đang bùng nổ của Đài Loan. Nơi đây cung cấp tới 63% chất bán dẫn cho thế giới — từ bóng đèn LED đến điện thoại thông minh, ô tô điện và mô hình trí tuệ nhân tạo. Ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, với doanh thu dự kiến đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 từ mức 545 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo của PricewaterhouseCoopers.
Theo công ty tuyển dụng 104 Job Bank của Đài Loan, có khoảng 26.000 việc làm hàng tháng vào nửa cuối năm 2024, chủ yếu ở các vị trí cấp thấp hơn như công nhân vận hành máy và công nhân đóng gói. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông đến từ ĐNÁ đã được tuyển vào trường dạy nghề của Đài Loan. Con số rơi vào khoảng 35.924 người.
Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây từ Control Yuan, đối tượng sinh viên nói trên thường trở thành lực lượng lao động được trả lương thấp, làm việc nhiều giờ trong các nhà máy dưới vỏ bọc là “đào tạo thực hành”. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ rất khó chuyển lên vị trí kỹ sư kỹ năng cao nếu không được đào tạo thêm, theo Ping Chou, chủ tịch Liên đoàn Giáo dục Đại học Đài Loan kiêm giáo sư xã hội học tại Đại học Nam Hoa.
“Thời gian ở trường rất, rất ít — đôi khi chưa đến 2 ngày/tuần, hoặc trong một số trường hợp, chưa đến 1 ngày/tuần”, ông nói. “Thực tế là gì? Hầu hết thời gian của họ dành cho công việc”.
Quay trở lại với Đặng Nhựt Hào.

Trước khi đến Đài Loan, được biết anh chàng này đã nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm “Terrarium” còn được gọi là “Hệ sinh thái thu nhỏ tự dưỡng”, đạt giải nhất trong Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho học sinh trung học phổ thông và giải khuyến khích cuộc thi Khoa học kĩ thuật của tỉnh năm 2017. Ý tưởng được anh Ngô Chí Công – Giám đốc Công ty Khởi Minh và thầy Trương Quân Bảo chắp cánh.
“Mục đích chính của đề tài này là tạo ra một sản phẩm giúp cho người dùng giải tỏa mọi tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, tạo cho họ một không gian sống thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn có thể giúp các bạn hiểu thêm về hệ sinh thái, tạo hứng thú trong học tập. Song song đó, còn có thể tận dụng những đồ dùng không còn sử dụng nữa như: bóng đèn dây tóc hư, chai rượu, lọ thủy tinh... có thể góp phần bảo vệ môi trường”, Hào tâm sự.
Giỏi sinh học là vậy, song sau cùng, Hào lại quyết định đến Đài Loan theo chương trình học thuật công nghiệp. Anh chàng cũng đăng ký học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Minh Tân, một trong những trường cao đẳng kỹ thuật lớn nhất Đài Loan tại trung tâm điện tử Tân Trúc, để lấy bằng cử nhân 4 năm.
Chia sẻ với Rest of World, anh cho biết năm đầu tiên chủ yếu học tiếng Quan Thoại. Trong năm thứ hai, anh và 31 bạn cùng lớp được đưa bằng xe buýt đến Miaoli, một huyện nhỏ ở phía nam Tân Trúc. Tại một nhà máy sản xuất đèn LED do Everlight Electronics sở hữu, Đặng được dạy cách vận hành máy cắt và đóng gói chip bán dẫn được sử dụng trong đèn LED.
Weber Chung, phó chủ tịch cấp cao tại 104 Job Bank, cho biết những đợt thực tập như vậy đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong ngành công nghiệp bán dẫn, nơi các dây chuyền sản xuất hoạt động 24/7 và không thể ngừng hoạt động. Người vận hành làm việc theo ca để giám sát sản xuất, hiệu chỉnh máy móc và khắc phục sự cố phát sinh.
Đặng Nhựt Hào học nghề này bằng cách làm việc 6 ngày/tuần và sống trong ký túc xá của nhà máy. Anh được trả mức lương tối thiểu hàng tháng khi đó là 23.800 đô la Đài Loan (724 USD), tương đương với mức lương khởi điểm dành cho công nhân vận hành. Số tiền đó được dùng để đóng học phí và vay vốn sinh viên.
“Ở trường đại học, chúng tôi thực sự không học được nhiều do hạn chế về thời gian. Không có thời gian để học tập tử tế. Chúng tôi phải nhanh chóng quay lại làm việc”, Hào, hiện 23 tuổi, nhớ lại.
Đại học Minghsin tuyển dụng khoảng 2.600 sinh viên quốc tế mỗi năm. Hơn 60% đến từ các chương trình hợp tác giữa ngành và học viện, Hsin-Te Liao, phó chủ tịch của trường chia sẻ với Rest of World. Hầu hết đến từ Việt Nam, Philippines và Indonesia.
“Chúng tôi tuyển dụng sinh viên nước ngoài dựa trên nhu cầu của các công ty mà chúng tôi hợp tác”, ông cho biết.
Theo Liao, các công ty chủ yếu yêu cầu sinh viên từ Việt Nam và Philippines. Sau khi sinh viên tốt nghiệp, các công ty hy vọng sẽ có thể giữ họ lại làm nhân viên.
Theo các tài liệu tuyển dụng, trong số các công ty hợp tác với các trường dạy nghề có ASE Holdings, Powertech Technology và Siliconware Precision Industries. Họ là một phần của chuỗi cung ứng phục vụ các công ty công nghệ lớn bao gồm Nvidia và Apple.

Đặng Nhựt Hào cho biết một số bạn cùng lớp của anh vẫn ở lại Everlight với tư cách là công nhân bảo trì hoặc quản đốc. Những người khác đã tìm được việc làm trong ngành điện tử. Một số ít đã trở về nước. Còn Nhựt Hào quyết định học lên cao hơn.
Lượng sinh viên đổ vào Đài Loan được dự báo sẽ tăng lên khi chính phủ công bố kế hoạch đầu tư 160 triệu USD thu hút 320.000 sinh viên vào các lĩnh vực STEM, tài chính và bán dẫn vào năm 2030. Những người tốt nghiệp trung học cơ sở, một số chỉ mới 15 tuổi, được tuyển dụng thông qua “Chương trình Giáo dục Nghề nghiệp 3+4”.
Trong số này có Ryan Hartono, người đã rời Medan, Indonesia khi mới tròn 16 tuổi để tham gia chương trình học 3 năm trung học nghề, sau đó lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tử tại Đại học Cheng Shiu ở Cao Hùng. Cứ 3 tháng, Hartono lại thấy mình ở trong một nhà máy ở miền nam Đài Loan, cầm công cụ đo lường kỹ thuật số và học việc.
Nhiệm vụ của Hartono xoay quanh các dây chuyền sản xuất của Walsin Technology Corporation. Công ty này chuyên sản xuất các linh kiện bán dẫn thụ động được lắp đặt trong bộ xử lý máy tính và máy chủ AI của Intel cho Microsoft và Google.
Khi còn học đại học, Hartono làm việc 5 ngày trong cùng một nhà máy. Hai ngày nghỉ là thời gian duy nhất anh có thể học bài.
Các chương trình làm thêm như vậy khiến sinh viên gặp bất lợi khi xin việc, theo Shangmao Chen, giáo sư tại Đại học Fo Guang.
“Thành thật mà nói, hầu hết công việc thực tập của họ đều ở mức độ khá thấp. Sau khi tốt nghiệp, tôi nghĩ rất khó có khả năng những sinh viên này có cơ hội thăng tiến lên vị trí kỹ sư”.
Sau khi tốt nghiệp, Hartono được thuê làm kỹ sư cấp thấp tại Yageo Corporation, một nhà cung cấp linh kiện chip dùng để đào tạo AI. Sau đó, anh chuyển đến Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để bảo trì máy móc.
“Tôi mới gia nhập chưa lâu và tôi cảm thấy rằng vai trò của mình trước tiên là hiểu rõ việc của mình đã”, anh nói.
Theo: Rest of World