“Con người là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ thẩm định giá”

Vân Anh | 09:04 08/07/2022

“Tuy dịch vụ thẩm định giá ở nước ta mới được hình thành và phát triển, nhưng về cơ bản Nhà nước đã ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ các quy định của pháp luật về thẩm định giá tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam chia sẻ.

MarketTimes: Số lượng thẩm định viên về giá tăng nhiều như thời gian qua cho thấy nghề thẩm định giá đang thu hút sự chú ý của thị trường. Theo Chủ tịch, làm gì để số lượng tăng nhưng vẫn giữ được chất lượng?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Gần đây có những quan điểm cho rằng: Sự tăng trưởng “nóng” về số lượng doanh nghiệp thẩm định giá đã có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thẩm định giá.

Tôi cho rằng, nếu xét về hiện tượng dễ thấy nhất thì có những khía cạnh đúng, nhưng xét về bản chất thì việc tăng trưởng nóng không phải là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ - mà yếu tố quyết định chính là chất lượng con người, là quản trị... đó mới là nhân lõi quyết định chất lượng thẩm định giá, chứ không phải sự tăng trưởng đơn thuần về số lượng quyết định chất lượng.

Theo tôi, để giữ và nâng cao được chất lượng thẩm định giá thì các “thành tố” tham gia cung ứng và quản lý loại hình dịch vụ này rất cần thiết phải làm những việc sau:

Đối với các thẩm định viên về giá: Phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, rèn luyện tính tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá, tự giác tuân thủ các quy định của Nhà nước về đạo đức hành nghề để xây dựng cho được cái “Tâm” trong sáng bên cạnh năng lực chuyên môn vững trong hoạt động nghề nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá: Phải xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chế độ quản trị doanh nghiệp bằng các quy chế phù hợp với quy định của pháp luật như: Quản trị nhân lực, tài chính, quan hệ với khách hàng thẩm định giá; Quy trình thực hiện công việc; Các cơ chế kiểm soát đạo đức hành nghề, học tập nâng cao trình độ, đánh giá xếp loại thẩm định viên ... Đặc biệt là phải xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá để tự kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa và phát hiện những sai sót, những rủi ro, thậm chí cả những gian lận. Thậm chí là tổ chức một bộ phận kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá độc lập với các đơn vị làm chuyên môn.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 quy định về kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá. Đồng thời thường xuyên tổ chức việc kiểm soát này tại các doanh nghiệp thẩm định giá để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về thẩm định giá của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá; Giám sát các doanh nghiệp thẩm định giá duy trì các điều kiện kinh doanh; Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm xảy ra từ lúc bắt đầu thực hiện thẩm định giá và xử lý kịp thời những sai phạm theo quy định của pháp luật... Góp phần làm cho thị trường thẩm định giá hoạt động công khai, minh bạch; Giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về chất lượng giữa các doanh nghiệp thẩm định giá...

nguye-n-tie-n-thoa-8184-1574947287-15905920439231269181922.jpg

Về bản chất thì việc tăng trưởng nóng về số lượng doanh nghiệp không phải là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ, mà yếu tố quyết định chính là chất lượng con người, là quản trị...

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

MarketTimes: Chủ tịch có nói đến đạo đức nghề nghiệp, vậy vấn đề nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp của các thẩm định viên cần được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Những chuẩn mực đạo đức đã được Bộ Tài chính ban hành tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 1 là: Độc lập; chính trực; khách quan; bảo mật; công khai, minh bạch; năng lực chuyên môn và tính thận trọng; tư cách nghề nghiệp; tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.

Các thẩm định viên, các doanh nghiệp thẩm định giá phải luôn luôn xác định: Thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp được coi là chìa khóa dẫn đến thành công, là vấn đề thành, bại, sống còn của nghề thẩm định giá. Nếu hoạt động thẩm định giá coi nhẹ đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ không thể yêu nghề, gắn bó với nghề và sống bằng nghề, không thể có uy tín, niềm tin và sự hợp tác lâu bền của khách hàng; đồng thời nó còn tiềm ẩn các nguy cơ bất ổn, rủi ro có thể xảy ra với thẩm định viên về giá và doanh nghiệp thẩm định giá.

Chính vì vậy, để nâng cao đạo đức hành nghề trong hoạt động thẩm định giá thì trước hết là các thẩm định về giá phải tự tu dưỡng, rèn luyện xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thẩm định giá; Tự giác và tích cực tham gia đầy đủ các chương chình cập nhật kiến thức về đạo đức nghề nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức.

Đối với các doanh nghiệp thẩm định giá phải xây dựng và ban hành Quy chế, cơ chế kiểm soát thực thi đạo đức hành nghề của doanh nghiệp. Xây dựng một chế độ, phương pháp quản lý có hiệu quả và môi trường thẩm định giá chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Thực hiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng người giỏi, bố trí sắp xếp công việc hợp lý, đúng người, đúng việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp cho các thẩm định viên bằng các hình thức thích hợp.

Bên cạnh đó thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có trách nhiệm: Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về hoạt động thẩm định giá nói chung trên cơ sở rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhất là các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, xử lý những nội dung hướng dẫn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành. Ban hành cơ chế kiểm soát “cạnh tranh không lành mạnh” trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá…

chu-tich-htg-nguyen-tien-thoa.jpeg

Thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp được coi là chìa khóa dẫn đến thành công, là vấn đề thành - bại, sống - còn của nghề thẩm định giá.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

MarketTimes: Bộ Tài chính vừa có văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, trong đó có yêu cầu “thường xuyên tự tổ chức đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá”. Có ý kiến cho rằng, nếu để doanh nghiệp tự tổ chức đánh giá chất lượng của mình sẽ không khách quan thưa Chủ tịch.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Theo quy định hiện hành thì cơ chế kiểm soát chất lượng thẩm định giá có hai hình thức: “nội kiểm” (tức là tự doanh nghiệp kiểm soát) và “ngoại kiểm” (tức là kiểm soát độc lập, khách quan của cơ quan quản lý Nhà nước).

Quy định các doanh nghiệp thẩm định giá phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng thẩm định giá của chính doanh nghiệp mình là một yêu cầu bắt buộc. Nhưng không phải các doanh nghiệp có thể tự đánh giá, chấm điểm “tô hồng” chất lượng thẩm định giá của mình tùy ý, sai sự thật mà phải tự đánh giá theo Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng do Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 323/2016/TT-BTC. Đồng thời kết quả tự đánh giá của doanh nghiệp hàng năm còn có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá trực tiếp của các đoàn kiểm tra tại doanh nghiệp gồm các cán bộ của Cục Quản lý giá và Hội Thẩm định giá Việt Nam. Kết quả “nội kiểm” cùng “ngoại kiểm” này có được Bộ Tài chính công nhận hay không còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá chất lượng của Bộ Tài chính.

Như vậy, theo tôi cơ chế kiểm soát chất lượng theo quy định hiện hành là phù hợp: Doanh nghiệp tự đánh giá – cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định giá trực tiếp đánh giá lại – Hội đồng thực hiện đánh giá sau cùng để trình Bộ Tài chính trên cơ sở kết quả tự đánh giá của doanh nghiệp và đánh giá trực tiếp của cơ quan quản lý Nhà nước. Do vậy không cần thiết phải để một tổ chức độc lập mà không hiểu biết về ngành dịch vụ đặc thù này tham gia đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá.

MarketTimes: Nhiều thẩm định viên cho rằng các quy định của pháp luật về hoạt động thẩm định giá hiện nay còn khuyết khiến cho các thẩm định viên “hoang mang”? Chủ tịch nhận xét gì về ý kiến này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Những năm qua, tuy dịch vụ thẩm định giá ở nước ta mới được hình thành và phát triển, nhưng về cơ bản Nhà nước đã ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ các quy định của pháp luật về thẩm định giá tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Chính vì vậy, xét về tổng thể, hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá đã đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một sự thật là hệ thống pháp luật về thẩm định giá giữa các Bộ, Ngành có nhiều nội dung chưa đồng bộ, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn gây ra những lúng túng, khó khăn về trách nhiệm giải trình kết quả thẩm định giá của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá (nhất là việc thẩm định giá đất). Hoặc có nhiều nội dung quy định, hướng dẫn còn mang nặng định tính, thiếu định lượng tùy thuộc vào đánh giá chủ quan của thẩm định viên nên cũng gây ra những bất cập nhất định. Có những nội dung còn chưa đề cập tới như việc thu thập thông tin thẩm định giá của tài sản hình thành trong tương lai; Phương pháp thẩm định giá các khoản nợ trong nền kinh tế...

Tất cả những khiếm khuyết này đang được các cơ quan quản lý đánh giá, tổng kết để có cơ sở sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá trong thời gian tới.

MarketTimes: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Con người là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ thẩm định giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO