Tối thứ sáu tuần trước, thông tin về việc miễn thuế đối với điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác nhập khẩu từ Trung Quốc đã nổ ra, giúp Apple thoát khỏi phần lớn các loại thuế quan khắc nghiệt do Tổng thống Trump công bố.
Những mức thuế đó - được công bố ngày 2/4 và tăng thêm trong tuần kế tiếp - có thể đã khiến chi phí của Apple tăng vọt, làm giảm biên lợi nhuận vốn đã mỏng hoặc buộc hãng phải tăng giá bán các sản phẩm vốn đã có giá hơn 1.000 USD như iPhone.
Cả hai kịch bản đều là viễn cảnh tồi tệ, đặc biệt trong bối cảnh Apple đang gặp khó khăn trong việc bán iPhone mới và tung ra các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) cho hệ sinh thái thiết bị của mình. Cổ phiếu của công ty giá trị nhất thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngay cả khi thị trường có phục hồi sau khi ông Trump rút lại một số mức thuế, giá cổ phiếu Apple vẫn kết thúc tuần trước với mức giảm gần 12% so với thời điểm trước khi các mức thuế được công bố. Trong khi đó, 5 ông lớn công nghệ còn lại chỉ ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 2%.
Với thông tin về các miễn trừ mới, cổ phiếu Apple được dự đoán có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch thứ hai. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không nên vội cho rằng mọi chuyện đã trở lại bình thường.
Sự thật đã lộ rõ trước khi cuối tuần kết thúc. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tuyên bố vào chủ nhật rằng sẽ còn thêm các mức thuế mới áp lên sản phẩm điện tử. Chính ông Trump sau đó cũng đăng trên mạng xã hội rằng “không ai được miễn trừ thuế cả”. Sự bất định kéo dài sẽ tiếp tục phủ bóng lên cổ phiếu Apple, làm dấy lên câu hỏi: Liệu công ty có thể – hay nên – quay trở lại mức định giá cao ngất ngưởng trước đó?
Mỗi tuyên bố từ chính quyền nước Mỹ đều có thể thổi bùng lại khủng hoảng hiện sinh mà Apple vừa trải qua suốt hai tuần qua.
Và đây là một chính quyền rất quyết liệt trong việc đưa sản xuất trở lại Mỹ. Nếu yêu cầu Apple làm điều đó, nghĩa là quay ngược đồng hồ 20 năm – khi trong báo cáo thường niên năm 2005, Apple lần đầu tiên tuyên bố rằng gần như toàn bộ sản phẩm của hãng được lắp ráp cuối cùng tại Trung Quốc.
Sự chuyển dịch đó là kết quả của nhiều năm tối ưu chuỗi cung ứng dưới bàn tay của “phù thủy hậu cần” Tim Cook – và nó đã mang lại thành quả từ rất lâu trước khi ông lên làm CEO vào năm 2011. Đầu những năm 2000, biên lợi nhuận gộp hàng năm của Apple chỉ ở mức hơn 20%, khi hãng còn là một công ty máy tính chủ yếu sản xuất ở Mỹ và Ireland. Nhưng đến cuối thập kỷ đó, biên lợi nhuận đã lên tới 40% nhờ iPhone và iPod “made in China” làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.

Các miễn trừ mới vào thứ sáu có thể chỉ giúp Apple giảm bớt áp lực phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Và đây sẽ là một bước chuyển tốn kém, ngay cả khi không dẫn tới việc hàng triệu lao động Mỹ lắp ráp iPhone với mức lương tại Mỹ.
Trung Quốc hiện có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong lĩnh vực sản xuất. Đó là lý do tại sao Apple và hầu hết các hãng phần cứng công nghệ Mỹ đều chọn sản xuất tại đây.
Như chuyên gia phân tích phần cứng Francisco Jeronimo từ IDC nhận định cuối tuần qua: “Thực tế là các công ty công nghệ lớn của Mỹ vẫn phụ thuộc nặng nề vào hệ sinh thái sản xuất hiệu quả và tích hợp sâu của Trung Quốc. Với các sản phẩm có sản lượng lớn như smartphone, tablet hay PC, bất kỳ nỗ lực đa dạng hóa nào trong thời gian ngắn đều sẽ cực kỳ tốn kém và khó khả thi về mặt hậu cần”.
Ảnh hưởng của chính quyền ông Trump lên Apple có thể còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Ví dụ, trong nhiều năm qua, chính phủ Mỹ đã nhiều lần cố gắng nhưng thất bại trong việc buộc Apple tạo ra một “cửa hậu” phần mềm để cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng truy cập thiết bị. Lập trường cứng rắn của Apple trong vấn đề này có thể sẽ tiếp tục bị thử thách – nhưng nếu nhân nhượng, hãng có thể làm tổn hại hình ảnh của mình với người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn.
Thực tế mới – đầy bất định và khó đoán – này cần được phản ánh trong định giá của Apple. Trước khi công bố thuế quan, cổ phiếu Apple đang được giao dịch ở mức gấp 29 lần lợi nhuận dự kiến, cao hơn hầu hết các đại gia công nghệ khác và hơn gấp đôi so với các nhà sản xuất phần cứng như Samsung, Dell hay HP.
Apple từ lâu đã xứng đáng với một mức định giá cao hơn nhờ dòng tiền và biên lợi nhuận vượt trội. Nhưng điều đó khó có thể biện minh dưới thời một Tổng thống Mỹ sẵn sàng phát động chiến tranh thương mại – và dùng mọi công cụ để làm điều đó.
Một công ty Mỹ, mỗi năm bán ra hơn 300 tỷ USD sản phẩm sản xuất ở nước ngoài, rõ ràng không phù hợp với thế giới đang chuyển mình sang xu hướng phi toàn cầu hóa. Và giá cổ phiếu Apple, sớm hay muộn, cũng sẽ phải phản ánh thực tế đó.
Theo: WSJ