Tại góc phố 57 Tây, nơi từng là biểu tượng của tầng lớp trung lưu Mỹ, Richard Hirsch - một chuyên gia tiếp thị ngành y tế, thường đùa rằng ông đang sống ở “dãy nhà của những tỷ phú”.
Cùng vợ là bà Jill Strauss, ông đã mua một căn hộ 2 phòng ngủ tại Carnegie House từ những năm 1990 với giá khoảng 400.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng ở thời điểm đó). Từ căn hộ này, ông có thể nhìn hấy những toà nhà chọc trời lấp lánh trên Đại lộ Tỷ phú (Billionaires’ Row), nơi dành cho giới siêu giàu toàn cầu.
Tuy nhiên, giấc mơ sở hữu nhà của hàng trăm cư dân Carnegie House đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Lý do không nằm ở giá nhà tăng phi mã, mà ở một điều khoản pháp lý ít người để tâm: hợp đồng thuê đất dài hạn.
Cụ thể, cư dân sở hữu căn hộ, nhưng không sở hữu mảnh đất bên dưới. Và giờ đây, giá trị khu đất tăng chóng mặt đang đẩy họ vào tình thế khốn cùng.
Ngày 18/7 vừa qua, một hội đồng trọng tài độc lập đã đưa ra phán quyết nâng mức thuê đất hàng năm từ 4,36 triệu USD lên tới khoảng 24 triệu USD, tức tăng 450%. Với ông Hirsch, điều này đồng nghĩa chi phí sinh hoạt hàng tháng của ông có thể tăng từ 5.000 USD lên hơn 13.000 USD. “Đó chẳng khác gì bản án tử,” ông nói.

Điều đáng nói là hàng nghìn căn hộ hợp tác (co-op) khác ở New York cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Theo Tổ chức Ground Lease Coop Coalition, có hơn 25.000 người dân đang sở hữu nhà trên những khu đất thuê.
Hợp đồng thuê đất, vốn là giải pháp giúp tầng lớp trung lưu mua nhà vào giữa thế kỷ 20, giờ đây trở thành chiếc bẫy tài chính khi đến kỳ gia hạn hoặc tái định giá.
Câu chuyện của Carnegie House đặc biệt gây chú ý vì quy mô tăng giá khủng khiếp, nhưng không phải là cá biệt. Luật sư Geoffrey Mazel gọi các hợp đồng thuê đất này là “quả bom nổ chậm” bởi chúng thường cho phép chủ đất định kỳ tăng giá thuê dựa trên giá trị thị trường, thường sau 50 hoặc 99 năm. Khi các công ty bất động sản và quỹ đầu tư nắm quyền sở hữu đất, họ tận dụng kẽ hở hợp đồng để nâng giá thuê lên mức “không tưởng”.
Cư dân Carnegie House, đa số là người già sống bằng lương hưu cố định, giờ đang đối mặt với nguy cơ mất trắng. Nếu không thể chi trả mức thuê mới, tòa nhà có thể bị thu hồi hợp đồng, chuyển thành căn hộ cho thuê ổn định (rent-stabilized) và chủ sở hữu mất toàn bộ giá trị tài sản. Những người vẫn còn khoản vay ngân hàng sẽ tiếp tục phải trả nợ, dù đã không còn sở hữu nhà.
Một số cư dân cho rằng chủ đất - một công ty liên kết với hai “đại gia” bất động sản Mỹ Rubin Schron và David Werner, đang tìm cách đẩy họ ra đi để phá bỏ tòa nhà, để xây dựng cao ốc siêu sang mới. Đại diện chủ đất phủ nhận, nhưng sự im lặng kéo dài và giá thuê tăng vọt khiến nhiều người nghi ngờ.
.png)
Hội đồng cư dân Carnegie House đang chuẩn bị khởi kiện để phản đối mức tăng. Đồng thời, họ hợp tác với các nhà lập pháp như Thượng nghị sĩ bang Liz Krueger và Dân biểu Linda Rosenthal, những người đã đưa ra dự luật hạn chế khả năng tăng giá thuê đất. Dẫu vậy, nỗ lực này vấp phải phản đối gay gắt từ giới bất động sản, đặc biệt là Hội đồng Bất động sản New York (REBNY), với lý lẽ rằng hợp đồng là hợp đồng, và không nên thay đổi luật chơi giữa hiệp đấu.
Cuộc tranh luận đang diễn ra trong bối cảnh cuộc đua thị trưởng New York nóng lên, với vấn đề nhà ở giá rẻ trở thành tâm điểm. Ứng viên hàng đầu, ông Zohran Mamdani, coi nhà ở là quyền cơ bản của con người và cảnh báo việc di dời người dân có thể làm tan rã cấu trúc xã hội của thành phố.
Trong khi đó, nhiều cư dân Carnegie House như bà Sandy Dell, một cựu người mẫu 70 tuổi, đang đứng giữa ngã ba đường.
“Mất giá trị tài sản không phải điều tôi lo nhất,” bà nói. “Điều khiến tôi sợ là không còn tìm được nơi nào ở Manhattan mà tôi có thể đủ tiền sinh sống.”
Carnegie House từng là chốn an cư của tầng lớp trung lưu New York, nơi họ đặt niềm tin vào sự ổn định và tích lũy lâu dài. Nhưng giờ đây, khi bóng tối của lợi nhuận bất động sản phủ bóng, những căn hộ từng là giấc mơ nay có thể trở thành bi kịch của cả một thế hệ.
Tham khảo WSJ