Cố tỷ phú Chuck Feeney dành cả đời kiếm tiền để rồi ra đi trắng tay. Lối sống của ông chính là nguồn cảm hứng cho những người giàu nhất thế giới; là hình mẫu, tấm gương điển hình nhất về việc cho đi.
Chuck Feeney xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở New Jersey, Mỹ, được biết đến là một trong những đồng sáng lập đế chế mua sắm miễn thuế Duty Free Shoppers. Nhìn bề ngoài, chẳng ai nghĩ đây từng là lãnh đạo một tập đoàn nổi tiếng bởi ông không mặc đồ hiệu, sống giản đơn và chỉ đeo một chiếc đồng hồ 10 USD.
Những người từng có cơ hội ghé thăm ‘cơ ngơi’ của tỷ phú Chuck Feeney miêu tả không gian sống của vợ chồng ông trông giống như phòng ốc của sinh viên ký túc xá. Nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách cùng vài bức ảnh gia đình treo trên tường. Trên bàn đặt ngăn ngắn chiếc kỷ niệm chương nhỏ ghi dòng chữ: ‘Xin chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD’.
8 tỷ USD - Gia tài tích góp sau 92 năm được Chuck Feeney cho đi gần như toàn bộ, một cách rất âm thầm và hầu hết đều theo hình thức ẩn danh. Rất nhiều các trường đại học, tổ chức y tế, khoa học, sáng kiến hòa bình… tại Mỹ, Việt Nam, Nam Phi, Úc, Israel, Jordan… đã nhận được sự giúp đỡ từ ông Feeney.
Theo Quỹ Atlantic Philanthropies, ông Feeney là người khởi xướng triết lý ‘Cho đi khi còn sống’ (Giving While Living). Ông tin rằng bản thân có thể tạo ra nhiều sự khác biệt khi còn sống, thay vì thành lập một quỹ từ thiện sau khi mình qua đời.
“Tôi không thể nghĩ ra cách sử dụng tài sản nào xứng đáng và phù hợp hơn ngoài việc cho đi và cống hiến hết mình cho những nỗ lực có ý nghĩa”, tỷ phú Feeney viết trong lá thư cam kết. “Tôi thấy không có lý do gì để trì hoãn việc cho đi. Hơn nữa, cho đi khi còn sống sẽ thú vị hơn khi đã qua đời rất nhiều”.
8 tỷ USD đã được cho những nơi thực sự cần chúng, trong đó, 3,7 tỷ USD dành riêng cho giáo dục, hơn 870 triệu USD dành cho nhân quyền & xã hội và 76 triệu USD cho các chiến dịch cấp cơ sở. Ngoài ra, hơn 700 triệu USD dành cho y tế và 176 triệu USD cho Viện Sức khỏe não toàn cầu - một chương trình hợp tác giữa Trinity College Dublin và Đại học California, San Francisco.
Sự vị tha của Feeney đã khiến các tỷ phú thế giới kinh ngạc. Tạp chí Forbes không tiếc lời ngợi ca và gọi Charles F. Feeney là ‘James Bond của giới từ thiện’. Warren Buffett cũng gọi Feeney là “anh hùng của tôi, anh hùng của Bill Gates, và là anh hùng của mọi người”.
Dù làm từ thiện nhưng bản năng doanh nhân của Feeney vẫn còn. Ông đề cao nguyên tắc tối đa hóa hiệu quả cho từng đồng quyên góp và chỉ bỏ tiền cho những chương trình thực sự có tầm. Các dự án từ thiện buộc phải cạnh tranh, đệ trình cột mốc và thành quả trước khi được nhận tài trợ. Bất cứ chương trình nào chậm tiến độ hay kém hiệu quả đều sẽ bị cắt vốn.
Đáng trân trọng hơn, Feeney chưa bao giờ công khai nói về những việc mình làm. Bản thân các trường đại học nhận quyên góp của ông cũng chẳng biết nhà hảo tâm thực sự đứng sau là ai.
Bản thân ông Chuck Feeney từng hỗ trợ rất nhiều các hoạt động xã hội tại Mỹ. Vị tỷ phú cũng “bén duyên” với Việt Nam từ rất lâu và sẵn sàng tài trợ cả triệu USD.
Cơ duyên 2 thập kỷ này bắt đầu khi ông Chuck Feeney biết đến Quỹ Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation - EMWF), một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). EMWF khi đó đã có một số chương trình thiện nguyện tại Việt Nam nhưng đang đứng trước thách thức lớn là thiếu kinh phí hoạt động. Tình cảm trỗi dậy và ông Chuck Feeney muốn giúp đỡ ngay lập tức. Một tấm séc trị giá 100.000 USD (gần 2,5 tỷ đồng) đã được trao đi.
‘Tôi đã học được nhiều điều và cảm thấy hài lòng khi hoàn thành được tâm nguyện. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia vào hành trình của tôi. Với những ai đang băn khoăn về việc ‘cho đi khi còn sống’, hãy thử nó và bạn sẽ thích’, ông Feeney nói.
Sau đó, tỷ phú Chuck Feeney đã có cơ hội sang Việt Nam tìm hiểu các hoạt động của EMWF. Ông tới từng bệnh viện, trường học và nhiệt tình ủng hộ các chương trình cải tạo, nâng cấp. Hàng triệu USD đã được tài trợ để xây dựng trường Đại học RMIT tại Việt Nam.
Cụ thể, thông qua quỹ Atlantic Philanthropies, ông Feeney chia sẻ tầm nhìn với Đại học RMIT Việt Nam, đồng thời hỗ trợ sớm hơn 39 triệu USD để thành lập trung tâm Công nghệ thông tin, trao học bổng, xây ký túc xá sinh viên 240 giường, khu thể thao & giải trí và hơn thế nữa.
Ngoài RMIT, ông Chuck Feeney còn hào phóng quyên tặng cho các cơ sở giáo dục góp phần hiện đại hóa ngành y tế. Tầm nhìn xa này đã thay đổi tương lai hàng ngàn sinh viên tràn đầy hy vọng tại một đất nước đang thay đổi hết sức nhanh chóng.
“Nói một cách đơn giản, triết lý của ông là dùng khối tài sản khổng lồ của mình để giúp đỡ người khác và làm điều này khi ông vẫn còn đang sống”, vợ cố tỷ phú, bà Helga Feeney, chia sẻ. “Cách làm này giúp ông ấy giải quyết được các vấn đề hiện tại. Chính tay ông sẽ chọn ra ai là người xứng đáng nhận những khoản tài trợ này”.
Phát biểu trong video chia sẻ thông điệp đến 8.800 sinh viên RMIT dự lễ tốt nghiệp tại Sân vận động Marvel ở Melbourne, Australia, bà cũng cho biết đây là thời điểm hoàn hảo để các tân khoa hình thành ý tưởng về việc cho đi của bản thân họ.
“Đây là thời điểm hoàn hảo để định hình suy nghĩ của các bạn về cách các bạn sẽ dùng thời gian, tài năng cũng như tài sản của chính bản thân bạn để giúp nhân loại tốt hơn như thế nào”, bà nói.
Đối với tỷ phú Feeney, tiền bạc có thể là chiến lợi phẩm của thành công nhưng nó chưa từng là lẽ sống. Bản thân ông cũng từng nói thà cho đi lúc sống để cảm nhận sự hữu ích của quyên góp còn hơn cho đi lúc chết để rồi chẳng cảm nhận được gì.
“Ông ấy từng nói với tôi rằng đừng nên giới hạn quyên góp ở mức 50% tài sản. Chẳng có ví dụ nào về từ thiện tốt hơn ông Chuck. Nhiều người đã chia sẻ với tôi về việc họ được truyền cảm hứng như thế nào. Điều đó thật sự tuyệt vời”, tỷ phú Bill Gates nói.
Theo: The New York Times, Forbes