VN-Index có phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm, rơi sát về ngưỡng 1.250 điểm

Mạnh Đại | 16:01 11/09/2024

Hôm nay thị trường chứng khoán tiếp đà “lao dốc”, đà bán vẫn áp đảo hoàn toàn dòng tiền mua của các nhà đầu tư.

VN-Index có phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm, rơi sát về ngưỡng 1.250 điểm
VN-Index tiếp đà giảm điểm.

Cổ phiếu Novaland (NVL) có phiên thứ 2 giảm điểm mạnh

Kết phiên 11/9, giá cổ phiếu NVL ở mức 11.850 đồng/cổ phiếu, giảm 6,69% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh tăng đột biến đạt hơn 68 triệu đơn vị - gấp 4,8 lần so với bình quân 10 phiên giao dịch trước đó.

Đây là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu NVL giảm điểm mạnh, ở phiên 10/9 trước đó, cổ phiếu địa ốc này giảm 3,79% xuống 12.700 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, chỉ trong 2 phiên gần đây, thị giá cổ phiếu NVL đã bốc hơi 10,48%.

Động thái này xảy ra, ngay sau khi (ngày 10/9) Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã bổ sung cổ phiếu NVL của Novaland và SC5 của CTCP Xây dựng Số 5 vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Nguyên nhân do hai công ty này chậm công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã được soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

co-phieu-nvl.png
Cổ phiếu NVL giảm kịch sàn, với khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng đột biến ngay sau tin bị cắt margin. (Nguồn: Cafef)

Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Novaland ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.246 tỷ đồng, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Kết quả, “ông lớn” địa ốc này báo lãi ròng hơn 344 tỷ đồng, cải thiện tích cực so với con số lỗ 1.094 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng nguồn vốn của Novaland là 240.178 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 45.647 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ đồng so với đầu năm.

Đáng chú ý, tính đến thời điểm 30/6/2024 lượng hàng tồn kho của công ty là hơn 142.025 tỷ đồng (tương ứng hơn 5,6 tỷ USD), tăng 2,22% so với hồi đầu năm. Đồng thời, chiếm gần 60% tổng nguồn vốn của “ông lớn” địa ốc này.

Theo thuyết minh của Novaland tại ngày 30/6/2024, giá trị hàng tồn kho của công ty được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là 57.910 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,3 tỷ USD (hồi đầu năm 2024 con số này là 57.199 tỷ đồng).

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ phải trả là 194.531 tỷ đồng, chiếm 81% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó, nợ vay tài chính là gần 60.000 tỷ đồng.

VN-Index tiếp đà “lao dốc”

Thị trường chứng khoán tiếp đà “lao dốc”, đà bán vẫn áp đảo hoàn toàn dòng tiền mua của các nhà đầu tư. VN-Index có phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm, rơi sát về ngưỡng 1.250 điểm.

Kết phiên 11/9, chỉ số VN-Index giảm 1,96 điểm, xuống 1.253,27 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,24 điểm, xuống 231,45 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 0,04 điểm, xuống 92,32 điểm.

Độ rộng của thị trường nghiêng tuyệt đối về bên bán, trên sàn HoSE, số lượng mã giảm giá gần gấp đôi mã tăng, 134 mã tăng giá (gồm 5 mã tăng trần) so với 178 mã giảm giá (gồm 4 mã giảm sàn).

Các cổ phiếu bluechip thuộc rổ VN30 chia đôi sắc xanh – đỏ, chỉ số VN30-Index giảm 0,18 điểm, xuống 1.293,88 điểm – phiên giảm điểm ít nhất trong 3 phiên vừa qua.

Tăng 1,37% lên 29.600 đồng, cổ phiếu STB của Sacombank dẫn đầu đà tăng tại rổ VN30. Theo sau là các cổ phiếu tăng dưới 1% là SAB, SSI, TPB, VHM VJC, VPB, FPT, HDB, HPG, MBB.

Ở chiều ngược lại, tiếp tục “lao dốc” mạnh là cổ phiếu SSB của SeABank giảm 5,88%. Theo sau là bộ đôi cổ phiếu PLX và POW giảm trên 1%. Các cổ phiếu giảm dưới 1% là VNM, VRE, VIB, VCB, TCB, MSN, GAS, ACB, BCM, BID, BVH.

Trên sàn HoSE, cổ phiếu DRH của CTCP DRH Holdings tiếp tục gây chú ý, khi có phiên thứ 3 liên tiếp giảm sàn, sau thông tin bị HoSE đưa chuyển cổ phiếu DRH từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ 16/9/2024.

co-phieu-drh.png
Cổ phiếu DRH có phiên thứ 3 liên tiếp nằm sàn, sau thông tin bị đình chỉ giao dịch. (Nguồn: Cafef)

Kết phiên 11/09, giá cổ phiếu DRH ở mức 1.870 đồng/cổ phiếu, giảm 6,97% so với phiên trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 818 nghìn đơn vị.

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VNZ của “kỳ lân công nghệ” VNG cũng gây chú ý khi “quay đầu” tăng kịch trần. Kết phiên 11/9, cổ phiếu VNZ tăng 15% lên 388.800 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt hơn 25,5 nghìn đơn vị.

co-phieu-vnz-2-.png
Cổ phiếu VNZ "quay xe" tăng kịch trần, sau 3 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp. (Nguồn: Cafef)

Trước đó, cổ phiếu VNZ đã có 3 phiên giảm điểm mạnh sau thông tin biến động thượng tầng doanh nghiệp.

Hôm nay khối ngoại quay đầu mua ròng hơn 7 tỷ trên sàn HoSE. Trong đó, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu FPT với giá trị gần 140 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu VNM (60,5 tỷ đồng), cổ phiếu VHM (30,17 tỷ đồng), cổ phiếu PDR (27,45 tỷ đồng), cổ phiếu DXG (25,28 tỷ đồng), cổ phiếu NTL (16,25 tỷ đồng), …

Ở chiều bán ra, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu MSN với giá trị gần 71 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu MWG (60,27 tỷ đồng), cổ phiếu HPG (54,49 tỷ đồng), cổ phiếu VCB (33,65 tỷ đồng), …


(0) Bình luận
VN-Index có phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm, rơi sát về ngưỡng 1.250 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO