Có phải giá điện "chỉ tăng không giảm"?

Lê Sáng | 12:46 05/02/2024

Giá điện liên tục tăng cao, chuyên gia cho rằng cần đánh giá toàn diện, các yếu tố liên quan, tránh để người dân có cảm giác giá điện “chỉ tăng không giảm”.

Có phải giá điện "chỉ tăng không giảm"?
Giá điện liệu có chỉ tăng không giảm là câu hỏi nhiều người dân cũng như giới chuyên gia đang đặt ra hiện nay. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Sắp tăng giá điện

Năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng một kWh, sau khi được nhà chức trách điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11.

Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang theo Quyết định 24/2017, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Gần nhất, giá điện tăng 4,5% vào tháng 11/2023.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay.

Theo đó, việc điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để EVN có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện. Đại diện Bộ Công thương cho hay, sẽ hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định.

Với đề xuất của Bộ Công Thương, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, đợt tăng giá tiếp theo có thể sẽ vào tháng 5 năm nay.

Nêu nguyên nhân dẫn đến việc xin tăng giá điện, EVN cho biết dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá điện bán lẻ được điều chỉnh 2 lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao. Do đó, năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

Các thông tin gần đây cho thấy việc EVN lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong năm 2022-2023 do chi phí đầu vào (than, dầu, khí) biến động. Tuy nhiên, để có chính xác số lỗ của năm 2023, phải chờ công bố của Đoàn kiểm tra liên ngành về chi phí sản xuất - kinh doanh điện hoặc Báo cáo soát xét tài chính của doanh nghiệp.

Với mức tăng giá điện bán lẻ điện bình quân thêm 4,5% ngày 9/11 lên 2.006,79 đồng/kWh (trước đó đã tăng 3% vào ngày 4/5), EVN cho biết mức tăng này chỉ giúp tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây cũng không được tính toán trong giá điện.

Sau 2 đợt tăng giá điện trong năm 2023, EVN vẫn ghi nhận khoản lỗ ước tính là 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng, trong năm 2023. Tính chung 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).

Theo lý giải của EVN, giá nhiên liệu đầu vào dù giảm so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao so với trước.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết nhận xét, không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ luỹ kế và các vấn đề khác cũng khó theo.

“Quan điểm của chúng tôi là Thủ tướng cho phép rồi, Bộ cũng có cơ chế rồi, thì Ủy ban chỉ đạo Tập đoàn phải làm, nếu không giải quyết trong những năm tới và để tình trạng vẫn lỗ lũy kế như này, thì chúng ta không có cách nào vượt qua được và mãi mãi vẫn xảy ra”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nói.

Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch EVN cho rằng, nếu tình hình tài chính không sớm cải thiện thì đời sống người lao động ảnh hưởng, nhiều cán bộ lương thấp quá sẽ rời ngành ra đi.

Khó giảm giá điện

Ở góc độ chuyên gia năng lượng, ông Đào Nhật Đình cho rằng, chuyện giá điện theo thị trường nói thì dễ, nhưng không dễ làm, bởi với thực trạng EVN đang phải gánh lỗ khi mua cao, bán thấp như hiện nay, thì giá điện khi tính đúng, tính đủ sẽ chỉ có tăng trong trước mắt.

Về lâu dài, theo Quy hoạch Điện VIII, dự kiến bổ sung khoảng 10 dự án điện từ khí trong nước với tổng công suất 7.900 MW; 13 dự án điện từ khí LNG nhập khẩu với tổng công suất 22.824 MW và 6.000 MW điện gió ngoài khơi.

“Các dự án điện mới này đều tính toán giá điện cỡ 12-13 USCent/kWh, nên nếu bổ sung nguồn cung lớn này vào hệ thống, thì chi phí sản xuất điện chắc chắn tăng so với giá bán lẻ điện bình quân cho nền kinh tế như hiện nay”, ông Nhật Đình nói.

Trong khi đó, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN là không thỏa đáng.

Theo TS Ngô Đức Lâm, trong các đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN trước đây, mới chỉ chú ý đến các yếu tố làm tăng chi phí, chưa quan tâm đến các yếu tố giảm chi phí, như mùa nước, tăng công suất của các nhà máy thủy điện, hay việc giảm tổn thất và hạ giá thành của hệ thống.

Theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.

TS Ngô Đức Lâm cho rằng, năm 2024, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác, như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.

EVN lỗ nặng nhưng công ty con lãi lớn

Thực tế cho thấy thời gian qua, dư luận cả nước cũng như các đại biểu quốc hội đã bày tỏ không ít băn khoăn về việc trong khi Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ nặng thì 5 công ty con của EVN lại lãi lớn, thậm chí có số dư tiền gửi ngân hàng lên đến hàng vạn tỷ đồng.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho thấy, kết thúc năm 2022 các đơn vị này đều làm ăn tốt với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng và lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.

19-1676273756-trung-cskh-evn-01.jpg
Trong khi tập đoàn mẹ EVN đang lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng thì các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn này lại đang có hàng vạn tỷ đồng gửi ngân hàng.

Theo đó, lượng tiền gửi ngân hàng tại các công ty con của EVN trong năm qua đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như trong năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, số tiền gửi ngân hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM có gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng.

Nhờ số tiền gửi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, thuyết minh báo cáo tài chính của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cho thấy, lãi tiền gửi, tiền cho vay tại công ty gần 371 tỷ đồng.

Chỉ số này tại các doanh nghiệp khác thuộc EVN cũng ấn tượng không kém, cụ thể Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đạt gần 178 tỷ đồng; lãi tiền gửi năm 2022 của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hơn 170 tỷ đồng; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội 166 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM là 155 tỷ đồng.

Việc EVN đang báo lỗ nặng và liên tục xin tăng giá điện trong khi khi các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” EVN vẫn báo lãi và có đến hàng ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng cũng là vấn đề được các đại biểu quốc hội rất quan tâm và có ý kiến chất vấn tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.

Theo Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên), hiện cử tri cho rằng cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, cần làm rõ vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao. Có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc.

Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính từng đặt câu hỏi tại sao trong khi các công ty con, công ty thành viên từ sản xuất đến truyền tải điện đều báo lợi nhuận tăng cao trong năm vừa qua thì người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao công ty mẹ là EVN lại thua lỗ?

“Khoản lỗ đó đến từ đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Hay cái này chủ yếu thuộc về mặt quản lý? Những câu hỏi này cần được làm rõ trước khi chính thức tăng giá điện”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu vấn đề.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có phải giá điện "chỉ tăng không giảm"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO