Chuyển nhầm 200 triệu vào tài khoản của người đã mất, người đàn ông liền kiện gia đình người đó: Không chỉ yêu cầu trả tiền mà còn bắt chịu toàn bộ phí kiện tụng

Linh San | 15:37 20/01/2025

Cho rằng gia đình người quá cố đã chiếm dụng tiền của mình một cách bất hợp pháp, người đàn ông đã nộp đơn kiện lên tòa án Trung Quốc.

Chuyển nhầm 200 triệu vào tài khoản của người đã mất, người đàn ông liền kiện gia đình người đó: Không chỉ yêu cầu trả tiền mà còn bắt chịu toàn bộ phí kiện tụng
Ảnh minh họa

Vào tối ngày 29/2/2024, ông Chu (Trung Quốc) thực hiện một giao dịch chuyển khoản 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 208 triệu đồng) qua ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Sau khi hoàn tất giao dịch, ông kiểm tra lại và phát hiện số tiền đã bị chuyển nhầm vào tài khoản khác trùng tên với người nhận ban đầu, đều là "Lý Mỗ".

Nhận thức được sai sót, ông Chu lập tức nhắn tin cho người nhận nhầm: “Ông Lý, thật ngại quá! Tôi đã chuyển nhầm một khoản tiền cho ông! Làm phiền ông trả lại tôi được không? Tôi sẽ cảm ơn ông rất nhiều!”. Tuy nhiên, sau hơn nửa giờ đồng hồ, ông không nhận được phản hồi từ phía người nhận. Nhận thấy tình hình có dấu hiệu phức tạp, ông Chu quyết định báo cáo sự việc với cơ quan công an để tìm kiếm sự hỗ trợ.

Qua điều tra, cơ quan chức năng phát hiện rằng ông Lý – chủ tài khoản nhận tiền – đã qua đời vào ngày 5 tháng 6 năm 2021. Đến ngày 25 tháng 8 năm 2023, hộ khẩu của ông Lý mới được chính thức hủy. Điều này đồng nghĩa với việc tại thời điểm nhận khoản tiền chuyển nhầm từ ông Chu, ông Lý đã không còn tồn tại về mặt pháp lý.

Vào ngày 2/7/2024, ông Chu đã nộp đơn kiện lên Tòa án Nhân dân thành phố Nam An, Trung Quốc, yêu cầu gia đình của ông Lý hoàn trả số tiền 60.000 Nhân dân tệ. Lý do mà ông Chu đưa ra là khoản tiền này không thuộc về gia đình ông Lý và họ đã chiếm lợi một cách không hợp pháp. Đồng thời, ông Chu cũng yêu cầu gia đình chịu các chi phí phát sinh trong quá trình kiện tụng.

Trong quá trình xét xử, Tòa án Nam An ra quyết định phong tỏa số tiền 60.000 nhân dân tệ trong tài khoản ngân hàng của ông Lý để đảm bảo tài sản được bảo toàn. Tuy nhiên, qua xem xét các tình tiết, tòa nhận định rằng trường hợp này không thuộc diện "chiếm lợi ích không chính đáng". Lý do là vì khoản tiền này được chuyển nhầm vào tài khoản của ông Lý hơn hai năm sau khi ông qua đời. Đồng thời, các người thừa kế của ông Lý không hề rút hay kiểm soát số tiền này.

Theo luật pháp, một người đã qua đời không còn tư cách pháp lý để đứng tên bất kỳ tài sản nào mới phát sinh. Do đó, khoản tiền 60.000 Nhân dân tệ không thể được coi là tài sản thừa kế của ông Lý, và gia đình ông cũng không có quyền sở hữu số tiền này. Trên cơ sở đó, Tòa án Nam An xác định đây không phải là tranh chấp về lợi ích không chính đáng mà là tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.

Do đó, ông Chu phải thay đổi yêu cầu khởi kiện. Thay vì đòi lại tiền từ gia đình ông Lý, ông đề nghị tòa án xác nhận quyền sở hữu của mình đối với số tiền 60.000 Nhân dân tệ trong tài khoản của ông Lý. Đồng thời, ông yêu cầu ngân hàng hỗ trợ hoàn trả khoản tiền này về tài khoản của mình.

Sau quá trình xem xét kỹ lưỡng, Tòa án Nam An đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, tòa xác nhận rằng khoản tiền 60.000 nhân dân tệ thuộc quyền sở hữu của ông Chu. Lý do là vì số tiền này được chuyển nhầm do lỗi cá nhân của ông Chu, và tại thời điểm chuyển khoản, tài khoản ngân hàng của ông Lý đã trở thành tài khoản vô chủ do chủ sở hữu đã qua đời. Khoản tiền sau khi được chuyển nhầm cũng chưa bị bất kỳ ai rút ra, nên nó thuộc về ông Chu theo luật định.

Tòa án đồng thời yêu cầu ngân hàng – đơn vị quản lý tài khoản nhận tiền – hỗ trợ hoàn trả số tiền 60.000 nhân dân tệ về cho ông Chu. Tuy nhiên, đối với yêu cầu của ông Chu về việc buộc gia đình ông Lý chịu các chi phí liên quan như án phí, phí bảo toàn tài sản và bảo hiểm, tòa án bác bỏ. Lý do là lỗi trong giao dịch hoàn toàn thuộc về ông Chu, và gia đình ông Lý không có bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào đối với số tiền này.

Vụ việc là bài học nhắc nhở mọi người phải cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tài chính. Việc kiểm tra kỹ thông tin trước mỗi lần chuyển khoản là cách hiệu quả nhất để tránh những rắc rối không đáng có. Nếu có sai sót xảy ra, nên xử lý đúng quy trình và tuân thủ pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên liên quan.

Theo Toutiao


(0) Bình luận
Chuyển nhầm 200 triệu vào tài khoản của người đã mất, người đàn ông liền kiện gia đình người đó: Không chỉ yêu cầu trả tiền mà còn bắt chịu toàn bộ phí kiện tụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO