Thị trường chứng khoán, trái phiếu trong mấy năm vừa qua có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế - chính trị thế giới.
Riêng thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với với khối lượng 161,5 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023). Đây là kết quả khả quan trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trước đó, người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Bình luận về mục tiêu này, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc – Chuyên gia phân tích cao cấp, CTCP xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, hiện quy mô thị trường TPDN hiện có khoảng 1,2 triệu tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành tương đương với gần 11% GDP danh nghĩa của năm 2023. Theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 quy mô tối thiểu của thị trường TPDN là 20% GDP vào năm 2025.
Như vậy nếu thêm những biến số về tốc độ tăng trưởng GDP và lượng trái phiếu đáo hạn trong hai năm 2024 - 2025 thì có thể ước tính được dư địa tổng khối lượng phát hành mới TPDN trong 2 năm tới đây cần đạt là 2,1 triệu tỉ đồng, gấp 1,75 lần quy mô thị trường hiện tại.
“Tôi cho rằng đây là một mục tiêu rất thách thức bởi ngay cả trong giai đoạn TPDN tăng trưởng mạnh nhất thì lượng phát hành mới cũng chỉ đạt gần 800 nghìn tỉ đồng/năm (năm 2021)”, ông Duy nói.
Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn thì Thông điệp từ Chính phủ cho thấy mặc dù trải qua những trục trặc gần đây nhưng TPDN vẫn được cơ quan quản lý định hướng là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Hiện ở Việt Nam doanh nghiệp vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng cho cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn. Nhu cầu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh là rất lớn, vì thế ôngNguyễn Đình Duy cho rằng để thị trường phát triển quy mô một cách bền vững, yếu tố thu hút người mua là nhà đầu tư sẽ rất quan trọng.