Chuyên gia Trung Quốc nói gì về làn sóng chuyển sản xuất sang Việt Nam?

Linh SM | 14:38 27/06/2022

Giới truyền thông và một bộ phận công chúng Trung Quốc đang lo ngại làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông Zhou Jiangong, nguyên Tổng biên tập Forbes Trung Quốc có những kiến giải khá sâu sắc.

Chuyên gia Trung Quốc nói gì về làn sóng chuyển sản xuất sang Việt Nam?
Ông Zhou Jiangong (Nguồn ảnh: www.cm-inv.com)

Những kiến giải của ông Zhou Jiangong được đăng tải  trên báo Thanh niên Trung Quốc. 

Theo khảo sát từ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc (China Youth Daily), truyền thông Trung Quốc trong những ngày gần đây diễn ra rất nhiều cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề “Liệu ngành sản xuất công nghiệp chế tạo của Việt Nam có vượt qua Trung Quốc ?” hay “Lo ngại một số chuỗi sản xuất công nghiệp lớn sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Tuy nhiên theo quan điểm của ông Zhou Jiangong – Nhà sáng lập tổ chức Weijin Research, việc phân chia và chuyển dịch chuỗi sản xuất công nghiệp giữa các quốc gia là một hiện tượng bình thường và cần được bình tĩnh nhìn nhận. Hiện tại khó có quốc gia nào có thể soán ngôi Trung Quốc để chiếm lấy vị thế “công xưởng thế giới”, trong khi một số quốc gia Đông Nam Á tiêu biểu là Việt Nam giống một phân xưởng, vì vậy mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là cộng tác đôi bên cùng có lợi chứ không phải cạnh tranh.

tq.jpg

Trung Quốc hiện có 41 loại hình công nghiệp lớn, 207 loại hình công nghiệp bậc trung và 666 loại hình công nghiệp nhỏ. Nguồn ảnh: www.caixinglobal.com

Ông Zhou Jiangong nhận thấy rằng sự chuyển dịch chuỗi sản xuất công nghiệp thực ra không phải là vấn đề mới.

Nghiên cứu sâu về quá trình chuyển giao chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Zhou Jiangong nhận thấy rằng các ngành sản xuất khá nhạy cảm với chi phí, đặc biệt là các ngành sản xuất cấp thấp và cấp trung luôn tìm cách để tiết giảm chi phí.

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, một số lượng lớn các ngành sản xuất đã được chuyển dịch từ Mỹ sang Nhật Bản, sau đó từ Nhật Bản sang "Những con hổ châu Á" và Trung Quốc, còn bây giờ là chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng các nước Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô rất lớn, trong đó bao gồm ngành công nghiệp chế tạo xuất khẩu, cũng như các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ cao và trung bình, thâm dụng vốn và thâm dụng tri thức. Quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác là một quá trình chuyển dịch dần dần, lấy ví dụ như dây chuyền sản xuất Giày Nike không thể chuyển đi trong ngày một ngày hai.

Ông Zhou Jiangong đánh giá việc xuất hiện nhiều cuộc thảo luận bày tỏ sự lo ngại về vấn đề dịch chuyển chuỗi công nghiệp và sản xuất sang Việt Nam, có nhiều khả năng là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong những năm gần đây, Mỹ liên tục thúc đẩy quá trình “phi Trung Quốc hóa” (Desinicization – loại bỏ hoặc giảm bớt các yếu tố, bản sắc hoặc văn hóa Trung Quốc khỏi một xã hội hoặc quốc gia).

Mỹ không chỉ muốn gia công, dịch chuyển chuỗi cung ứng trở lại đất nước mình (Reshoring) mà họ còn hy vọng sẽ vực dậy ngành sản xuất của Mỹ và tạo ra nhiều việc làm hơn.

Mỹ cũng tuyên bố rằng tháng 5 năm nay họ sẽ hợp tác với 12 quốc gia trong đó bao gồm Nhật Bản, Úc, Việt Nam và Ấn Độ, chính thức khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Một trong những yếu tố quan trọng của chiến lược này là hình thành một vòng tròn liên kết giữa các đối tác thương mại với Mỹ và các đồng minh, qua đó hy vọng nhiều công ty Mỹ sẽ giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lo ngại về việc di dời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố dữ liệu về thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, xuất nhập khẩu tăng 11,1%.

Số liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho thấy trong 10 năm qua, giá trị gia tăng của ngành sản xuất Trung Quốc đã tăng lên chiếm gần 30% của thế giới và tiếp tục trở thành nước sản xuất lớn nhất thế giới; sản xuất hàng hóa trung gian thương mại chiếm khoảng 20% ​​của thế giới; Khả năng phục hồi cũng như khả năng cạnh tranh của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng tiếp tục được cải thiện, năng lực ứng phó với các cú sốc bên ngoài đã được nâng cao một cách hiệu quả.

Tính đến nay, ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa Trung Quốc - ASEAN ước đạt 878,2 tỷ USD, cao hơn gấp đôi kim ngạch thương mại song phương Mỹ - ASEAN là 379 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Việt Nam đánh giá Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam còn Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ông Zhou Jiangong nhận định rằng những số liệu này cho thấy quan hệ sản xuất công nghiệp giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN ngày càng gắn bó mật thiết. Một số quốc gia Đông Nam Á tiêu biểu là Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn các linh kiện điện tử, cơ khí, sản phẩm hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc rồi bán sang thị trường Mỹ sau khi đã gia công và lắp ráp.

Tổ chức Weijin Research đã tiến hành nghiên cứu chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia như Apple, Samsung và nhận thấy rằng một số nhà máy đã và đang dịch chuyển đến Việt Nam hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng chủ yếu là các nhà máy lắp ráp cần sử dụng nhiều nhân công.

Hơn nữa, các công ty Trung Quốc thuộc chuỗi sản xuất của Apple như Goertek, Lens Technology, Lingyi Zhizao và Luxshare Precision đã và đang hoạt động tại Việt Nam.

Năm 2021, có 7 công ty Trung Quốc trong chuỗi sản xuất của Apple được đưa vào sản xuất tại Việt Nam, chiếm 1/3 tổng số. Các công ty Trung Quốc nói trên khi tiến vào Việt Nam thường áp dụng mô hình "Trung Quốc +" ( Công nghệ Trung Quốc + nguồn lực địa phương, vốn Trung Quốc + công nhân địa phương ...)

"Việt Nam xuất khẩu càng nhiều thì càng nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, đây là mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi", ông Zhou phân tích.

Ông Zhou Jiangong tin rằng một chuỗi giá trị tích cực hiện đang hình thành giữa Trung Quốc và thị trường Đông Nam Á, Nam Á cũng như các quốc gia mới nổi khác, đây là mối quan hệ tương hỗ, dựa trên lợi thế của các bên để cùng phát triển chứ không phải là mối quan hệ cạnh tranh thay thế.

"Đây là sự lựa chọn của Trung Quốc và tất nhiên cũng là xu thế tất yếu của thị trường", ông Zhou nói.

Ông Zhou Jiangong từng là Tổng Biên tập Tạp chí Forbes Trung Quốc, CEO của Yicai Media Group và là một nhà đầu tư. Ông cũng từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Envision Energy và là cố vấn cấp cao của Envision Ventures. Năm 2021, ông sáng lập Tổ chức Weijin Research, tập trung đổi mới công nghệ và nghiên cứu về chuỗi sản xuất công nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia Trung Quốc nói gì về làn sóng chuyển sản xuất sang Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO