Chuyên gia Savills: Bất động sản công nghiệp ít sôi động hơn trước đại dịch

Minh Phạm | 15:52 10/04/2023

Trong nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đã chứng kiến sự sụt giảm nhẹ về các đơn hàng. Thêm vào đó, sau Covid- 19, các doanh nghiệp khảo sát thị trường nhưng họ cũng trở nên thận trọng hơn, dẫn đến tình trạng ít sôi động hơn so với thời điểm trước dịch.

Chuyên gia Savills: Bất động sản công nghiệp ít sôi động hơn trước đại dịch
Bất động sản công nghiệp trầm lắng hơn trước dịch.

Tuy nhiên, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp, Savills Việt Nam chia sẻ với MarketTimes rằng, đây chỉ là vấn đề thời gian, bởi các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao, đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường này.

Theo ông Thomas Rooney, trong 2023, thị trường bất động sản công nghiệp được ghi nhận rất nhiều cơ hội và tiềm năng. Một trong số đó là sự đi lên của phân khúc nhà xưởng xây sẵn. Phân khúc này đã ghi nhận nhu cầu khá lớn từ nhiều quốc gia từ châu Âu và Mỹ. Nhờ vậy, nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước đã có kế hoạch mở rộng thêm dự án của mình đối với phân khúc này. Nguồn cung tương lai được ghi nhận lớn tại các thị trường Nhóm 1 như Hải Phòng và Bắc Ninh.

Thâm chí, các thị trường Nhóm 2 như Vĩnh Phúc cũng đang ghi nhận sức hấp thụ bất động sản công nghiệp khá tốt. Ghi nhận của bộ phận Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp của Savills, trong hai năm trở lại đây, sức hấp thụ của thị trường này còn tốt hơn các tỉnh Nhóm 1 như Bắc Ninh hay Hải Phòng.

Thêm vào đó, Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có lợi thế về bất động sản công nghiệp nhờ chiến lược di dời địa điểm sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp.

Bất động sản công nghiệp của Việt Nam được đánh giá tiềm năng, nhưng 1-2 năm trở lại đây đang có nhiều thách thức. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản công nghiệp đã chứng kiến sự sụt giảm nhẹ về các đơn hàng. Hơn nữa, sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại sau Covid, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng hơn và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định. Dẫn đến tình trạng ít sôi động hơn so với thời điểm trước dịch.

“Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian, các doanh nghiệp cần thêm thời gian để cân nhắc và quyết định. Bởi các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao, đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường này”, ông Thomas Rooney nói.

Liên quan đến vấn đề Việt Nam có nhiều tiềm năng về thu hút FDI, ông Thomas Rooney cho rằng, mặc dù hiện nay chi phí nhân công tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, song mức tăng này vẫn ở mức không đáng kể. Trong tương quan với các thị trường khác trong khu vực, thì chi phí này vẫn chỉ ở mức trung bình.

Đơn cử như với Indonesia, thị trường cũng thu hút về đầu tư sản xuất, thì chi phí nhân công của Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn. Song, dù Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao.

Vì vậy, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, theo ông Thomas Rooney, Chính phủ cần đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực. Cho đến nay, Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia Savills: Bất động sản công nghiệp ít sôi động hơn trước đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO