Nhà kinh tế học Åslund ước tính các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến GDP của Nga giảm tới 3% mỗi năm, tương đương 56,4 tỷ USD một năm. GDP hiện tại của Nga tính đến năm 2023 là 1.880 tỷ USD.
Åslund viết trong một bài xã luận cho trang Project Syndicate: "Trái ngược với những gì Điện Kremlin muốn người khác tin, thời gian không đứng về phía Nga. Quan điểm của riêng tôi là các lệnh trừng phạt hiện tại làm giảm 2-3% GDP mỗi năm, khiến Nga gần như trì trệ. Tình hình sẽ chỉ trở nên tệ hơn, thậm chí có thể cản trở chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine".
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Nga về mặt kỹ thuật đã tăng 3,6% vào năm 2023, với mức tăng trưởng GDP thực tế dự kiến là 3,2% vào năm 2024. Nhưng các nhà kinh tế đã lưu ý rằng phần lớn sự tăng trưởng của Nga được thúc đẩy bởi chi tiêu mạnh tay cho quân sự, trong khi các chỉ số dài hạn về sức khỏe nền kinh tế đã trở nên yếu kém.
Ví dụ, năng suất lao động đã giảm hơn 3% vào năm ngoái, một phần là do tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra trong lực lượng lao động của quốc gia này.
Ngành năng lượng của Nga cũng đang gặp khó khăn, dù là nơi cung cấp phần lớn tổng doanh thu của nước này. Doanh thu từ dầu khí của Moscow đã giảm gần 1/4 vào năm 2023, do giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động thương mại năng lượng của quốc gia này.
Trong khi đó, lạm phát đang tăng vọt. Theo số liệu chính thức từ Bộ Phát triển Kinh tế Nga, giá tiêu dùng đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước trong tuần tính đến ngày 17/9. Åslund cho biết những con số có khả năng còn tăng cao hơn thế.
Nga cũng đang ở trong tình thế khó khăn trong việc tài trợ cho chiến sự tại Ukraine. Quốc gia này bị hạn chế trong việc vay tiền từ các quốc gia khác sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế chủ yếu dựa vào thuế và nguồn dự trữ.
Theo dữ liệu từ Bộ tài chính Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF) đang dần cạn kiệt, chỉ còn lại khoảng 56 tỷ USD tài sản thanh khoản tính đến đầu tháng 6.
Nhà kinh tế học Åslund nhìn nhận động thái tăng thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong kế hoạch tài chính lớn của Điện Kremlin. Vì không có nhiều người mua trái phiếu muốn mua nợ của Nga.
"Tổng tất cả các chi phí ẩn, Nga có thể sẽ chi khoảng 190 tỷ USD, tức 10% GDP, cho cuộc xung đột trong năm nay và con số đó có lẽ là đỉnh điểm, xét đến những hạn chế do lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây áp đặt", ông nói thêm.
"Bất cứ khi nào Nga không còn có thể tài trợ cho thâm hụt ngân sách, họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu công và các khoản chi tiêu phi quân sự của họ đã bị cắt giảm đến mức tối đa", nhà kinh tế học nói.
Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng một tương lai không chắc chắn đang chờ Nga phía trước. Số tiền chi ra cho chiến sự đang làm suy yếu các bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Các nhà kinh tế nói với Business Insider rằng tại thời điểm này, chi tiêu cho quân sự của Điện Kremlin có thể là điều duy nhất ngăn quốc gia này rơi vào suy thoái ngay lập tức.
Theo BI