Chuyên gia: NHNN tăng lãi suất điều hành, đến lúc phải chấp nhận bước sang giai đoạn “tiền đắt”

Văn Tuệ | 10:48 23/09/2022

Theo chuyên gia, việc tăng trần lãi suất huy động sẽ cởi trói cho các ngân hàng, giúp họ chủ động tăng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản của hệ thống, cũng như có thể thu hút thêm nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp giảm áp lực mất giá đồng nội tệ.

Chuyên gia: NHNN tăng lãi suất điều hành, đến lúc phải chấp nhận bước sang giai đoạn “tiền đắt”

Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, tại phiên họp Chính phủ sáng 22/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Chiều cùng ngày, NHNN cũng thông báo về quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn mới là 5,0%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ; Lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng 1%/năm lên 6,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng đã tăng 1%/năm so với quyết định trước đó, lên mức 5,0%/năm.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hành động này là cần thiết khi trần lãi suất huy động đã duy trì quá lâu và không phù hợp với tình hình hiện tại. Mức trần lãi suất trước đây đã khiến các ngân hàng không thể tăng cường huy động vốn và gặp khó khăn về thanh khoản. Không chỉ thế, tình trạng trên còn gây áp lực lên nợ xấu cũng như khả năng thanh toán cho các định chế này.

307301596_401029028878028_2538219364076865079_n.jpg

(TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

Việc tăng trần lãi suất huy động sẽ “cởi trói” cho các ngân hàng, giúp họ chủ động tăng lãi suất huy động, thu hút thêm nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản hệ thống và có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong room hạn hẹp còn lại.

Tuy nhiên việc lãi suất huy động và tái cấp vốn tăng lên sẽ có thể khiến cho chi phí vốn đầu vào của ngân hàng bị nâng lên cũng như buộc ngân hàng phải gia tăng lượng dự trữ tiền mặt để tránh phải huy động vốn thông qua việc vay tái cấp vốn từ NHNN. Mặt khác, việc này cũng sẽ góp phần làm giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế và hạn chế lạm phát.

“Việc tăng lãi suất cũng phát đi tín hiệu rõ ràng là NHNN sẽ tiếp tục kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt để đảm bảo ổn định lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian tới”, ông Huân nhận định.

Các quyết định lần này của NHNN cũng sẽ làm giảm áp lực mất giá đồng nội tệ. Vì theo nguyên tắc dòng tiền sẽ chảy từ nơi có lãi suất thấp đến nơi có lãi suất cao, nên dòng tiền chảy về các nước phát triển sẽ chậm lại và hạn chế tăng cầu USD trong nền kinh tế. Theo mô hình Mudell-Fleming thì việc này sẽ hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, nó cũng sẽ có một số ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng trong tương lai.

“Từ giờ đến cuối năm, khả năng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục tăng do áp lực từ các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED và các NHTM cũng không còn nhiều room để cho vay, do đó theo quy luật cung cầu, khi cầu nhiều hơn cung thì các NHTM sẽ chủ động tăng lãi suất cho vay để tối ưu hóa lợi nhuận và chúng ta phải chấp nhận bước sang giai đoạn “tiền đắt” tức chi phí vay tiền sẽ tăng cao trong trung hạn”, ông Huân đánh giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia: NHNN tăng lãi suất điều hành, đến lúc phải chấp nhận bước sang giai đoạn “tiền đắt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO