Mô hình thương hiệu từ hạt gạo, cà phê…
Theo chuyên gia Nguyễn Phi Vân, những mặt hàng Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới hầu như chỉ là hàng hóa, nguyên liệu thô. Trong khi thế giới người ta lại rất chú trọng và lựa chọn xuất khẩu thương hiệu, mô hình kinh doanh. Đơn cử như cà phê, họ có các thương hiệu Starbucks, Coffe Bean của Hoa Kỳ… Hay như thương hiệu Alltan Coffee của Malaysia. Những thương hiệu này ban đầu đơn giản là giới thiệu cách uống cà phê của người bản địa nhưng sau khi xây dựng mô hình thì đã xuất khẩu đi rất nhiều nước trên thế giới với giá trị thặng dư rất là lớn.
“Có thể thấy từ hạt cà phê, hạt gạo… đến những sản phẩm như may mặc, giày da…. cũng được các doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu mô hình nhiều hơn chứ không chỉ xuất khẩu sản phẩm. Từ một nguyên liệu thô mình phải nâng giá trị sản phẩm lên gấp 100 lần. Khi xuất đi đương nhiên khách hàng trả tiền mua sản phẩm cũng phải trả tiền cho thương hiệu của mình. Đặc biệt hơn đó là tài sản trí tuệ giúp nâng tầm doanh nghiệp”, Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Bàn luận câu chuyện về chặng đường dài của các thương hiệu khi vươn ra thế giới trong tập 3 của chương trình “Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk”, PGS.TS Trần Hà Minh Quân - viện trưởng viện Đào tạo quốc tế (ISB thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM) khá trăn trở khi vẫn còn thiếu vắng thương hiệu Việt trên thị trường thế giới cùng với đó là giá trị xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cùng quan điểm với PGS.TS Trần Hà Minh Quân về việc vắng mặt thương hiệu Việt, Chuyên gia Nguyễn Phi Vân mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thay đổi cách tư duy và suy nghĩ để không dừng lại ở sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà sẽ cộng thêm giá trị trí tuệ ở trong đó tạo ra các mô hình có thể xuất khẩu mô hình và thương hiệu để vươn ra biển lớn.
Xuất khẩu thương hiệu, mô hình kinh doanh khó hay dễ?
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho biết, “Xuất khẩu mô hình kinh doanh thương hiệu rất khó mà cũng rất dễ. Rất khó khi mình phải xây dựng thật bài bản, cần tư duy, đầu tư và chuyên nghiệp. Lấy ví dụ từ một nguyên liệu thô như con gà. Từ thịt gà tươi các doanh nghiệp phải tiến hóa lên chuỗi giá trị thành sản phẩm chế biến đến sản phẩm tiện lợi sau đó đến những sản phẩm có thể sử dụng ngay… và cuối cùng là làm sao để có thể có một mô hình phục vụ đến tay người dùng ngay lập tức. Nếu có thể hiểu điều đó, doanh nghiệp có thể xây dựng qua từng bước từ sản xuất đến giải pháp chứ không dừng lại ở việc sản xuất ra sản phẩm”.
Tuy khó như vậy, những xuất khẩu mô hình kinh doanh thương hiệu cũng rất dễ nếu doanh nghiệp có tư duy đó ngay từ đầu. Với một doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng về kinh tế cũng như nguồn lực hạn chế hoàn toàn có thể bắt đầu xây dựng luôn 1 mô hình để có thể xuất khẩu mô hình đó.
PGT.TS Trần Hà Minh Quân cũng đặt ra câu hỏi, mà nó cũng là vướng mắc của một thương hiệu đang ấp ủ để được bán mình ra thế giới: “Một doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lâu năm và đã thành công cả về sản phẩm, thương hiệu, mô hình kinh doanh. Nhưng khi mang thương hiệu ra nước ngoài thì lại gặp nhiều vấn đề như tên thương hiệu gắn liền với địa phương, mô hình kinh doanh mang màu sắc truyền thống, đối với những doanh nghiệp ở giữa đoạn đường đó thì cần phải làm gì xuất khẩu được thương hiệu, mô hình?”
Trả lời cho câu hỏi này, Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho biết, trong quá trình xây dựng kiến trúc thương hiệu chúng ta hoàn toàn có những thương hiệu khác nhau, thương hiệu về sản phẩm, thương hiệu giải pháp, thương hiệu mô hình. Các doanh nghiệp cần xác định trong chuỗi giá trị này, mình cần xây dựng ở từng đoạn, những loại sản phẩm hay thương hiệu nào để đưa ra thị trường. Nếu đang ở giữa đường hoàn toàn có thể sửa cấu trúc thương hiệu để tạo ra một mô hình mới phù hợp, dưới “cây dù” của thương hiệu tập đoàn. Điều này hoàn toàn có thể và việc xuất khẩu thương hiệu không còn là vấn đề.
“Có rất nhiều thương hiệu trên thế giới xây dựng thương hiệu và mô hình xong họ bán tất cả tài sản còn lại của mình và chỉ sử dụng thương hiệu để xuất khẩu ra thế giới. Những đối tác trên thế giới sẽ phải mua thương hiệu của họ để sử dụng, sau đó mua toàn bộ sản phẩm và nguyên vật liệu từ thương hiệu đó để có thể kinh doanh. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ xuất khẩu được cả thương hiệu và tất cả nguyên vật liệu cũng như sản phẩm chúng ta có được trong mô hình đó. Đó chính là xuất khẩu siêu hạng”, Chuyên gia Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh.
Làm thế nào để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt?
Chia sẻ về vấn đề này bà Vân cho rằng đối với các doanh nghiệp thử thách đầu tiên có thể nói đến chính là thử thách về tư duy. Ngay từ đầu các doanh nghiệp đã phải nhận thức được làm thế nào để có thể bán được sản phẩm của mình với giá trị gấp 10 lần. Đơn cử như thay vì hạt cà phê xanh thì mình bán ly cà phê đã chế biến ngon nhất có thể thì giá trị nó đã khác rất nhiều.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hà Minh Quân cho biết, các doanh nghiệp cần phải đặt “đầu bài” ngay từ đầu. Khi xây dựng thương hiệu, không chỉ xây dựng thương hiệu cho người tiêu dùng mà còn phải xây dựng thương hiệu cho nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Ngoài ra, có 3 điều mà doanh nghiệp cần phải lưu ý khi xây dựng thương hiệu và mô hình chính là uy tín thương hiệu, uy tín và giá trị của chính người sáng lập và cuối cùng là mô hình kinh doanh phải có hiệu quả về tài chính.
"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.
Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.