Chuyên gia lo ngại hạ lãi suất sẽ làm lạm phát bùng lên?

Dương Trang | 09:22 06/04/2023

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất đây là động thái rất tốt. Tuy nhiên, chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo dài được bao lâu trong khi cả thế giới vẫn đang tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Đồng thời chuyên gia này lo ngại việc này sẽ làm lạm phát bùng lên.

Chuyên gia lo ngại hạ lãi suất sẽ làm lạm phát bùng lên?
Chuyên gia lo ngại hạ lãi suất sẽ làm lạm phát bùng lên. (Ảnh: Int)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố giảm lãi suất tái cấp vốn 50 điểm (0,5%) xuống 5,5%, hiệu lực từ thứ hai (ngày 3/4). Đây là đợt cắt giảm lãi suất chính sách gần đây nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởngkinh tế.

Lãi suất chiết khấu mà NHNN bất ngờ cắt giảm 100 điểm cơ bản xuống 3,5% (từ 4,5%) vào ngày 16/3, sẽ được giữ nguyên ở mức 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sẽ không thay đổi ở mức 6%, không bị ảnh hưởng bởi thông báo chính sách mới nhất.

Trong thông báo gần đây nhất, NHNN cũng tuyên bố sẽ hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản xuống từ 0,5% đến 5,5% đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5% xuống 4,5%. Ngân hàng TNHH một thành viên UOB Việt Nam (UOB) cũng lưu ý, trong thông báo ngày 16/3, NHNN đã giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực từ 5,5% xuống 5%.

Chia sẻ với MarketTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, có 2 động cơ đưa đến quyết định hạ lãi suất của NHNN.

Động cơ thứ nhất là ngay sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ thì NHNN lập tức hạ lãi suất, có thể đây là tín hiệu mà NHNN đưa cho cho thị trường rằng: “Ngân hàng Mỹ phá sản bởi lãi suất tăng đẩy giá chứng khoán đi xuống còn Việt Nam chúng tôi vẫn “chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ với tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...”.  Theo TS. Hiếu, động thái này của NHNN liệu có hợp lý hay không khi mà cả thế giới đang tăng lãi suất thì NHNN lại quay đầu hạ lãi suất – đi ngược lại với thị trường chung?

Động cơ thứ hai là NHNN có thể cũng biết rằng lãi suất đang rất cao, gây ra sự khó khăn cho nền kinh tế nên quyết định hạ lãi suất. Vấn đề ở đây là chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN sẽ kéo dài được bao lâu trong khi cả thế giới vẫn đang tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát? Liệu rằng NHNN cũng sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong khi lãi suất lại làm lạm phát bùng lên?

Mặt khác, động thái hạ lãi suất tác động lên thị trường tài chính Việt Nam bởi giá trị tiền đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác sẽ bị hạ xuống, khi đó rất có thể các dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam. Những điều này sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối.

“Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu NHNN có thể duy trì được chính sách nới lỏng tiền tệ hay không? Nếu có thể, tôi sẽ rất mừng bởi hạ lãi suất là điều cần thiết”, TS. Hiếu nói.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu thời gian tới FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất và đồng tiền của Việt Nam ngày càng đi xuống, lúc này chúng ta lại phải quay lại bài toán cũ là tăng lãi suất, nhưng sẽ không có gì có thể bảo đảm điều này không xảy ra.

Liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ sau khi NHNN quyết định hạ lãi suất, TS. Hiếu chưa thấy có biến động gì đáng kể. Thị trường chứng khoán phản ứng lình xình,“tôi chưa thấy bất cứ phản ứng tích cực và mạnh mẽ nào”, TS. Hiếu nói.

Theo TS. Hiếu, trước đây, vào năm ngoái NHNN giảm lãi suất trên cả 2 thị trường: 2 và 1. Muốn giảm lãi suất cho vay, vấn đề là phải giảm lãi suất trên thị trường 1. Mà giảm lãi suất trên thị trường 1 thì hiên tại nhiều ngân hàng cũng đã tự động giảm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Chuyên gia lo ngại hạ lãi suất sẽ làm lạm phát bùng lên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO