Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuyển đổi số tại các tổ chức và doanh nghiệp cúa Việt Nam hiện nay?
Rõ ràng nhất hiện nay là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước được ứng dụng vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế - xã hội, kỹ năng số của người dân ngày càng thành thạo.
Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng đã và đang nỗ lực trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới là Chính phủ số, cung cấp nhiều dịch vụ hành chính công trên môi trường trực tuyến thuận tiện cho người dân. Ngoài ra, hơn 30 thành phố cũng đã được đầu tư xây dựng Smart City (thành phố thông minh), xây dựng và hoạt động trên nền tảng công nghệ, để phục vụ tốt hơn hoạt động của Chính quyền và lợi ích của người dân.
Đối với các ngành như tài chính, ngân hàng, du lịch, giao thông, y tế, giáo dịch... các xu hướng chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Với các doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi số hiện nay được thực hiện và đánh giá dựa trên nhiều yếu tố và lĩnh vực và có tổ chức, kế hoạch và sự chuẩn bị đầu tư bài bản. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tiếp cận với các công nghệ số còn hạn chế và khiêm tốn.
Nhiều người đang hiểu chuyển đổi số và số hóa là giống nhau. Vậy có sự khác biệt nào giữa hai khái niệm này không thưa ông.
Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa. Tin học hóa, hay còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có. Thông thường, tin học hóa không làm thay đổi quy trình đã có hoặc mô hình hoạt động đã có.
Trong khi đó, Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, làm việc và phương thức sản xuất dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Chuyển đổi số tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa của chúng ta, có nghĩa là chuyển đổi số ảnh hưởng căn bản đến cách chúng ta sống, cộng tác và làm việc.
Có ý kiến cho rằng, đại dịch Covid – 19 là cú hích quan trọng thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số tại Việt Nam và cú hích này còn có giá trị bằng cả 10 năm thúc đẩy bằng các biện pháp khác. Ông có nhận xét như thế nào về ý kiến trên?
Đại dịch Covid-19 đã tạo một cú hích mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng, đưa con người kết nối gần nhau hơn và làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, việc làm, an sinh xã hội mới.
Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức đề huy động, phát triển và sử dụng các nguồn lực, đào tạo kỹ năng, chuẩn bị hạ tầng công nghệ số, khả năng thích ứng nhanh để bắt kịp những thay đổi.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo ông, các doanh nghiệp hiện đang gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình thực hiện chuyển đổi số?
Việc chuyển đổi số rất thuận lợi vì có rất nhiều công nghệ tốt, hạ tầng tốt, nhân lực tốt, tỉ lệ người dân sử dụng internet, thiết bị di động cao và thanh toán không dùng tiền mặt cao.
Công tác chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp bắt kịp khi cạnh tranh với các doanh nghiệp, thương hiệu quốc tế.
Ngày hôm nay, các công nghệ chuyển đổi số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, IoT, blockchain... đã có sẵn trong các giải pháp quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam do các đơn vị Việt Nam nghiên cứu và triển khai với chi phí hợp lý. Đây chính là một lợi thế quan trọng so với quá khứ nếu như các doanh nghiệp thật sự quyết tâm chuyển đổi.
Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội đó, các doanh nghiệp gặp phải không ít thách thức như rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai… tương đối cao so với các chi phí khác trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động chưa thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn.
Khó khăn tiếp theo là thay đổi thói quen, tập quán hoạt động. Chuyển đổi số đòi hỏi phải thay đổi thói quen, tập quán làm việc, cách tư duy dựa trên dữ liệu, tránh cảm tính trong khi yếu tố này được coi là lâu dài, khó khăn khi thực hiện thay đổi, phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người.
Ngoài ra cón khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó còn là thách thức trong việc đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu.
Thưa ông, trong thực tế có nhiều người còn lo ngại về tính “phong trào” thay vì thực chất đang diễn ra trong thực hiện chuyển đổi số?
Mặc dù chuyển đổi số là tất yếu nhưng bên cạnh đó là những rủi ro các tổ chức, doanh nghiệp phải đối diện, trong đó tỷ lệ thất bại không hề nhỏ. Những doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại là những doanh nghiệp làm theo phong trào. Rủi ro cao nhất đến từ lựa chọn sai chiến lược, xây dựng kế hoạch, biện pháp, sản phẩm không phù hợp với năng lực, xu hướng của thị trường. Cùng với đó là những rủi ro về pháp lý, rủi ro trong quá trình hoạt động, công nghệ, tài chính, thị trường và gian lận.
Các doanh nghiệp hãy bắt tay vào chuyển đổi ngay nhưng đừng vì phong trào mà hãy thận trọng từng bước, nâng cao nhận thức và hiểu biết đặc biệt là đối với đội ngũ lãnh đạo, chuẩn bị kỹ, hiểu rõ mình muốn gì, mình có gì và phải tính đến những rủi ro. Để tránh rủi ro, công tác chuẩn bị là yếu tố mấu chốt cho một doanh nghiệp bắt đầu bước chân vào chuyển đổi số
Với tư cách là tổ chức tập trung và đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực này, Hội Truyền thông số Việt Nam đang và sẽ có những hoạt động gì để tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới thưa ông?
Trong thời gian tới, Hội Truyền thông số Việt Nam cùng các hội viên sẽ tiếp tục tích cực tham mưu, đề xuất với Nhà nước những chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, góp ý, khuyến nghị các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số, kinh tế số để phát triển hơn nữa ngành và các doanh nghiệp.
Hội Truyền thông số Việt Nam tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp hội viên trong đó có sự kiện nổi bật là Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam được tổ chức hàng năm; tổ chức đào tạo, tư vấn chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn, tổng công ty, xúc tiến các hoạt động hợp tác, mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp hội viên bằng nhiều hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp, Hiệp hội uy tín của Châu Á và thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!