Đó là nhận định của ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm "Nhà báo khai thác thông tin trong bối cảnh Chuyển đổi số" diễn ra ngày 10/6 tại Quảng Ninh.
Mở đầu buổi toạ đàm ông Lê Đức Sảo - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam chia sẻ, trong vòng 10 năm trở lại đây báo chí chính thống đang bị cạnh tranh gay gắt bởi truyền thông xã hội, mà lớn nhất là mạng xã hội. Công nghệ phát triển vượt bậc tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin và đưa tin trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua ấy, báo chí đang nhiều khi đã trở nên lép vế.
"Mặc dù báo chí có tính xác tín, vượt trội về tính tin cậy so với mạng xã hội, nhưng báo chí lại bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật, nguyên tắc tác nghiệp và đạo đức hành nghề khiến việc đưa tin trở nên chậm hơn. Sức mạnh của mạng xã hội ngày nay ảnh hưởng không chỉ tới báo chí mà thậm chí còn tới quyết sách của các chính phủ", ông Lê Đức Sảo nhận định.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, bài toán chuyển đổi số đặt ra cho báo chí là chuyển đổi cách thức để tạo ra giá trị. Nếu không tạo ra giá trị thì không một tờ báo nào trụ vững được.
"Trước hết phải tìm ra cách để tạo ra giá trị cho bản thân tờ báo trong một thời đại mới bằng việc định hình lại chính bản thân tờ báo đó, hình thành lại một cơ chế quản lý hợp lý bằng cách xây dựng một hệ sinh thái thông qua cơ sở dữ liệu, và cuối cùng quan trọng nhất là phải tạo cho mình một hạng mục đầu tư", ông Lê Nguyễn Trường Giang lưu ý.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Lê Nghiêm - Phó Viện trưởng Viện ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thôngbổ sung thêm, quyền hạn của nhà báo hiện nay được quy định trong 3 luật chính, đó là Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016) và Nghị định 09 về Quyền tiếp cận thông tin. Đây chính là cơ sở pháp lý để các nhà báo tác nghiệp.
“Luật Tiếp cận thông tin là một bước tiến, là tư duy mở của chính phủ. Tuy nhiên, rất tiếc nhiều nhà báo hiện nay chưa nắm rõ luật này, người dân thì càng không hiểu rõ. Ông Lê Nghiêm dẫn khảo sát của Viện ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho biết, có đến 99% người được hỏi đã trả lời không chính xác về quyền tiếp cận thông tin”, ông Lê Nghiêm nhận định.
Nhấn mạnh thê, ông Lê Nghiêm cho rằng, chỉ khi nhà báo hiểu rõ quyền hạn của mình, những thông tin nào không được phép tiếp cận, cũng như nắm được chủ thể hoặc người được ủy quyền phát ngôn tại các cơ quan nhà nước là ai thì việc tác nghiệp mới không bị hạn chế.
Dẫn quy định tại điều 25.2 điểm C trong Luật Báo chí về quyền hạn tác nghiệp của các nhà báo, ông Đinh Văn Hải - Phó Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng các nhà báo, phóng viên có thể căn cứ vào điều luật này để tiếp cận thông tin tại các cơ quan, đơn vị.
Ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã chia sẻ, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là tất yếu, mang lại sức cạnh tranh.
Từ kinh nghiệm của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, ông Mai Anh Tuấn cho biết trung tâm đang tiến hành tin học hóa toàn bộ các khâu của tòa soạn hội tụ; xây dựng kho dữ liệu Big Data bằng cách số hóa toàn bộ kho hình ảnh video phát thanh truyền hình, báo in; áp dụng hàng loạt tiến bộ mới trong quá trình làm báo; xây dựng hệ thống đo lường khán thính giả để phân phối đến đúng đối tượng các sản phẩm báo chí mới; đảm bảo an ninh an toàn thông tin cho hệ thống.
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh thêm, vấn đề chính hiện nay là áp dụng chuyển đổi số trong báo chí. Các cơ quan báo chí cần phải nhanh chóng áp dụng các thành tựu của công nghệ để tạo ra sức cạnh tranh với mạng xã hội.