Thị trường mở cửa đầu tuần đầy tích cực, khi các chỉ số chính trên thị trường đồng loạt tăng lên trên mức tham chiếu ngay đầu phiên. Trong đó, VN-Index tăng ngay 11 điểm, và giao dịch quanh mức 1.102 điểm thời gian sau đó, dù thanh khoản suy giảm khoảng 17% so với phiên trước.
Tuy nhiên, đến nửa cuối phiên sáng lực cầu có phần chững lại, biến động trong giằng co mạnh. Tạm kết phiên sáng, VN-Index tăng 10,36 điểm, chạm mức 1.101 điểm.
Đến phiên chiều, diễn biến giằng co cùng tín hiệu đi xuống càng rõ rệt, lực cầu từ khối cổ phiếu có vốn hóa lớn suy yếu, trong khi lực bán chốt lời đang tăng trở lại; Mặt khác sức ép từ khối ngoại tiếp tục xả hàng khiến chỉ số VN-Index kết phiên chỉ còn giữ được gần 7 điểm.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,98 điểm (+0,64%) dừng tại 1.097,82 điểm. HNX-Index chỉ còn giữ được 0,53 điểm (+0,23%) tại 226,56 điểm. UPCOM-Index cũng chỉ tích lũy thêm 0,15 điểm (+0,18%) dừng ở 84,22 điểm.
Khối cổ phiếu có vốn hóa lớn VN30, phiên sáng có đến 24 mã tăng giá, nhưng đến kết phiên chỉ còn 16 mã tăng giá, 5 mã tham chiếu trên cho 9 mã giảm giá. Trong đó, siêu trụ nhóm ngân hàng, đại diện đứng đầu Top 10 tăng điểm tích cực nhất đã góp 3,7 điểm cho chỉ số, trong phiên có thời điểm đỉnh cao mã này đã góp đến hơn 7 điểm.
Đồng thời, cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (VCB) đã thiết lập đỉnh cao mới cao nhất mọi thời đại khi tăng 3,9% lên mức 98.600 đồng/CP (thời điểm 10h sáng). So với vùng đáy hồi tháng 10/2022, vốn hóa thị trường Vietcombank đã tăng thêm 173.200 tỷ đồng (~7,3 tỷ USD), đạt xấp xỉ 467.000 tỷ đồng (~19,9 tỷ USD).
Ngoài ra còn có GAS, MSN, FPT hay VHM cũng đóng góp tích cực cho chỉ số. Ngược lại, GVR, TCB, EIB, NVL lấy đi của chỉ số chính hơn 1 điểm.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, mở cửa thị trường nhóm này trở thành động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.100 điểm. Nhưng đến phiên chiều sức hút của "cổ phiếu vua” giảm đáng kể, phần nào là nguyên nhân khiến cho VN-Index không thể giữ được đà tăng ấn tượng trước đó.
Cụ thể, kết phiên giao dịch hôm nay số lượng cổ phiếu giảm giá của nhóm ngân hàng có đến 9 mã giảm giá, 2 mã đứng giá, 8 mã tăng giá, 1 tăng trần. Ngoài chủ lực VCB “gánh” nhóm, các chỉ số còn lại tăng giá khá yếu như CTG +0,35%, MBB +0,51%, SSB +0,64%, VIB +0,65%,… hay nổi bật chỉ có NVB kịch trần. Trong khi, VPB -0,5%, TCB -0,93%, ACB -0,23%, STB -0,88%, EIB -2,59%, OCB -1,9%,…
Nhóm cổ phiếu bất động sản đóng cửa dưới tham chiếu, rực lửa với 40 mã giảm giá trên cho 27 mã tăng giá. Trong đó, các “đại gia” trong ngành tăng yếu, đứng giá hoặc thậm chí giảm giá như VHM +0,56%, VIC +0,19%; VRE đứng giá còn BCM -0,26%. Ngoài ra, hàng loạt mã khác giảm mạnh: NVL -2,53%, KBC -2,62%, DIG -2,75%, KFS -4,67%, DXG -3,30%, DXS -2,39%,…
Nhóm sản xuất diễn biến tích cực, VNM +0,91%, HPG +0,23%, MSN +2,49%, SAB +0,98%, DGC +4,97%, DCM +3,04%, DPM +2,64%, SBT +1,83%, HSG +2,26%, POM tăng kịch trần,…
Cổ phiếu năng lượng gây ấn tượng khi GAS +2,17%, PLX +2,22%, POW +2,2%, PGV +2,23%,…TMP tăng kịch trần. Cổ phiếu vận tải cũng gây chú ý không kém PVT +2,12%, DVP +3,26%, PVP +3,03%, HAH và VOS đều tăng kịch biên độ,…
Thanh khoản phiên hôm nay dù thấp hơn phiên trước, nhưng vẫn duy trì ở mức cao với gần 950 triệu đơn vị cổ phiếu giao dịch, tương đương giá trị giao dịch đạt 17.560 tỷ đồng tại sàn HoSE. Trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gây sức ép lên thị trường, khi nối dài phiên thứ 5 liên tiếp bán ròng. Tính theo tuần, chuỗi rút vốn của khối ngoại đã kéo sang tuần thứ 3 liên tiếp. Hôm nay, khối ngoại bán ròng nhẹ 113,5 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Tâm điểm bán ròng rơi vào cổ phiếu VNM -97 tỷ đồng, kế đó là HCM và CTG bị bán 32 tỷ đồng mỗi mã, MSN -28 tỷ đồng, NLG -19 tỷ đồng, HAH -16 tỷ đồng, …Ngược lại, VHM được mua vào nhiều nhất gần 50 tỷ đồng, tiếp theo là SSI +35 tỷ đồng, KBC +25 tỷ đồng, CTD +16 tỷ đồng,…