3 hạn chế về bù chéo giá điện
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA), Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cơ chế “bù chéo” trong giá điện (gồm: Bù chéo giữa các hộ khách hàng tiêu dùng điện cho sinh hoạt với nhau; Bù chéo giữa giá điện bán cho sinh hoạt và giá điện bán cho các ngành sản xuất; Bù chéo giá điện giữa các vùng miền) đã để tồn tại với một thời gian quá dài, thiếu lộ trình quy định thời gian cụ thể phải giảm và tiến tới xóa bỏ bù chéo trong giá, nên đã gây ra nhiều bất cập.
Thứ nhất, về việc bù chéo về giá điện giữa các hộ khách hàng tiêu dùng điện cho sinh hoạt với nhau được thể hiện theo cách thức sắp xếp Biểu giá điện lũy tiến bậc thang.
Theo ông Thoả, hiện Bậc 1, Bậc 2 có giá điện chỉ bằng 92% - 95% so với mức giá điện bình quân; nhưng Bậc 5, Bậc 6 bằng 154% - 159% so với mức giá điện bình quân tính theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Ông Thoả cho rằng, cách quy định này tuy tạo ra sức ép về kinh tế trong việc khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện, nhưng thực chất là tạo ra cơ chế để người dùng điện ở bậc cao hơn có giá cao hơn bù giá cho người dùng điện ở bậc thấp với giá thấp.
Cụ thể, trong trường hợp này là khoảng 6,7% số hộ tiêu thụ khoảng 10,41% sản lượng điện của Bậc 5, Bậc 6 trong tổng sản lượng điện bán cho sinh hoạt với mức giá bằng 154% - 159% so với giá bình quân, bù chéo cho khoảng 31,48% số hộ tiêu thụ khoảng 48,26% sản lượng điện của Bậc 1, Bậc 2 trong tổng sản lượng điện bán cho sinh hoạt với mức giá chỉ bằng 92% - 95% so với giá bình quân tính theo số liệu của EVN năm 2021- 2022.
Không những thế, Chủ tịch VVA cũng cho rằng, giá điện ở những bậc thấp còn thể hiện ra là một chính sách bao cấp đối với cả người có khả năng chi trả tiền điện thấp và người có khả năng chi trả tiền điện cao.
Thứ hai, về việc bù chéo giữa giá điện bán cho sinh hoạt và giá điện bán cho các ngành sản xuất.
Theo Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thoả, bù chéo giữa giá điện bán cho sinh hoạt (chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện 35,5% /Tổng sản lượng điện thương phẩm) và giá điện bán cho các ngành sản xuất (chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện 51,10%/ tổng sản lượng điện thương phẩm tính theo số liệu của EVN năm 2023 được thể hiện theo cách thức sắp xếp Biểu giá điện cho sinh hoạt cao hơn giá bình quân chung và cao hơn giá bán điện cho sản xuất.
Ông Thoả cho rằng, tuy có để giá phản ánh theo mức độ chi phí gây ra cho hệ thống (Giá điện cho sinh hoạt thường có giá thành cao hơn giá thành điện cho sản xuất do tiêu thụ điện hạ áp và ngược lại giá thành điện cho sản xuất thường thấp hơn giá thành điện cho sinh hoạt do tiêu thụ chủ yếu điện cao áp); nhưng vẫn có phần bù chéo khi mức ưu đãi lớn nhất của giá điện cho sinh hoạt chỉ bằng 5% -10% (Giá điện Bậc 1, Bậc 2) so với giá bình quân chung. Trong khi mức ưu đãi của giá điện cho sản xuất tới 16% - 48% (Mức giá của giờ bình thường và giờ thấp điểm) so với mức giá bình quân chung.
Hệ quả của cơ chế bù chéo giá trên, theo ông Thoả là đã làm cho giá điện cho sinh hoạt cao không hợp lý, không chỉ bù chéo cho các ngành sản xuất trong nước mà còn bù chéo cho cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, về việc bù chéo giá điện giữa các vùng miền
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả việc bù chéo giá điện giữa các vùng miền theo cách thức hạch toán giá thành bình quân chung giữa vùng có giá thành điện thấp với vùng có giá thành điện cao và bán theo giá điện bình quân chung cũng là một hình thức bù chéo giá và giá đã không phản ánh đúng chi phí cung ứng điện thực tế của từng vùng miền.
Ông Thoả dẫn ví dụ Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất điện năm 2018 là: 1.727,41 đồng Kwh. Trong đó giá thành điện tại huyện, xã đảo được hạch toán vào giá thành năm 2018 nói trên tính ra tổng giá trị bù chéo khoảng 296,11 tỷ đồng.
Cụ thể, Huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận): Giá thành 5.849,85đ/Kwh, giá bán 1.797đ/kwh; Huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu): Giá thành 6.274đ/Kwh, giá bán 2.141,4đ/kwh; Huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng): Giá thành: 10.803,8đ/kwh, giá bán: 1.955,7đ/kwh; Huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị): Giá thành: 11.931,03đ/kwh, giá bán: 1.793,10đ/kwh
Theo báo cáo của EVN - Bộ Công Thương, tình hình hiện tại thì việc bù chéo này cũng không có gì khác: Giá thành trung bình hạch toán vào giá thành điện bình quân khoảng 7.000 đ/kwh, bán ra khoảng 1.900 đ/kwh.
Cần xóa bỏ triệt để việc bù chéo trong cơ chế tính giá điện
Theo Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thoả, chính sách giá điện đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW như: “Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”, “Minh bạch giá mua bán điện”; “Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”…
Do đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), theo ông Thoả, để Luật hóa các quan điểm chỉ đạo về giá của Nghị quyết số 55-NQ/TW có một số nội dung liên quan đến cơ chế bù chéo giá điện cần được xem xét, sửa đổi, cập nhật cho phù hợp dựa trên nguyên tắc định giá là quan trọng nhất khi Luật hóa chính sách giá điện.
Về cơ chế bù chéo giá điện, Chủ tịch VVA kiến nghị xem xét bãi bỏ hoặc thay thế các nội dung sau trong dự thảo về chính sách giá điện.
Cụ thể, với quy định “i) Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng… Giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện”, ông Thỏa kiến nghị bãi bỏ nội dung này vì 2 lý do.
Thứ nhất, quy định giá điện còn bù chéo là không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW là “Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền”.
Thứ hai, quy định giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo … phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Đây là quy định không rõ ràng bởi không biết thị trường phát triển đến cấp độ nào thì xóa bù chéo.
Đối với quy định “ii) Áp dụng cơ chế giá bán điện phù hợp với đối với nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ năng lượng cao”.
Ông Thoả đánh giá, đây là quy định sẽ là tiền đề để quay lại cơ chế bù chéo; do đó đề nghị phải thay cơ chế này theo hướng áp dụng cơ chế một giá điện cho sản xuất, cho các ngành và cho sinh hoạt phản ánh chi phí của cấp điện áp tiêu thụ.
Đối với các chính sách xã hội trong giá điện mà Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đề cập như “Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện; giá bán điện ở vùng biên giới, hải đảo; Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội…”
Chủ tịch VVA Nguyễn Tiến Thoả kiến nghị không đưa các nội dung này gộp vào chính sách giá mà phải đưa vào mục riêng về chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện, đảm bảo thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 55-NQ/TW là: Phải tách bạch giữa giá điện với chính sách xã hội … và Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.