Vấn đề an ninh nguồn cung khí đốt đang khiến chính phủ các nước châu Âu lo ngại trong bối cảnh thời tiết lạnh giá đẩy giá khí đốt lên mức cao nhất trong gần 13 tháng. Ngoài ra, thoả thuận trung chuyển khí đốt của Nga sau châu lục này qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
Phí lưu trữ khí đốt của Đức mà đơn vị khai thác lưu trữ Trading Hub Europe (THE) nhận được khi nhận và xả khối lượng khí đốt từ các kho tại Đức, sẽ tăng 20% kể từ tháng 1. Theo tính toán của Reuters dựa trên mức giá khí đốt hiện tại, động thái của THE có thể làm tăng 7% chi phí năng lượng tại các nước như Áo và CH Séc.
Trong bối cảnh chi phí nhập khẩu khí đốt lên tới vài tỷ euro, Áo ước tính đã thanh toán hơn 50 triệu euro (53 triệu USD) tiền thuế lưu trữ tại Đức kể từ năm 2022.
Reuters trích dẫn nguồn tin nội bộ cho biết những mâu thuẫn trong nội bộ chính phủ Đức khiến dự luật miễn loại thuế này vào tháng 11 đã bị huỷ bỏ. Đảng đối lập chính lại không ủng hộ các dự luật khẩn cấp trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Thủ tước Olaf Scholz vào giữa tháng 12.
Khi được hỏi về dự luật trên, một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Berlin cho biết việc thông qua sẽ phụ thuộc vào những gì diễn ra tại Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều trước thời điểm cuộc bầu cử bất ngờ vào tháng 2.
Trên thị trường khí đốt, các bên giao dịch cho biết tác động từ sự căng thẳng tại Đức đã khiến hoạt động giao dịch khó khăn hơn, khiến lợi nhuận sụt giảm và một số khách hàng lại tìm kiếm khí đốt của Nga. Trong trường hợp Đức - nơi đang lưu trữ 23 tỷ mét khối khí đốt, chưa thể thông qua dự luật, các nhà giao dịch chỉ ra rằng người mua sẽ phải tiếp tục dựa vào nguồn cung từ Nga dù EU đang nỗ lực né tránh.
Thủ tướng CH Séc, Petr Fiala, chia sẻ ông không muốn sử dụng khí đốt của Nga nhưng vấn đề chi phí lại là đáng lo ngại. Dòng chảy khí đốt vào nước này từ Slovakia, qua Nga và Ukraine, chiếm hơn 90% nguồn cung trong tháng 11 và tổng tỷ trọng trong quý IV là 77% so với quý III là 38%.
Trong khi đó, Áo đã tìm cách thúc giục Đức nhanh chóng thông qua dự luật sửa đổi bắt buộc. Alfred Stern, CEO của hãng khí đốt OMV, cho biết: “Chúng tôi không đủ khả năng để chi trả cho các vấn đề liên quan đến pháp lý của họ.”
Đầu năm nay, Đức đã đồng ý ban hành luật miễn thuế sau khi Áo, Hungary, Slovakia và CH Séc gửi khiếu nại lên Uỷ ban châu Âu (EC) rằng họ không cần trả khoản tiền này cho THE.
Theo Reuters, một phát ngôn viên của EC cho biết Brussels vẫn lo ngại rằng mức phí khí đốt hiện tại đang gây ra sự bất ổn cho thị trường nội bộ và khiến việc đa dạng hoá khỏi nguồn cung từ Nga trở nên khó khăn hơn.
Có khả năng, luật miễn thuế sẽ được hoàn thiện vào khoảng đầu năm sau. Các phương tiện truyền thông Đức và nguồn tin Quốc hội cho biết, đảng CDU bảo thủ, được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 2, có thể đẩy nhanh dự luật ngay sau đó.
Tham khảo Reuters