Yêu cầu quản lý chặt chẽ về đất lấn biển
Mới đây, trả lời đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5706/BTNMT-PC ngày 27 tháng 9 năm 2022 về việc nghiên cứu, làm rõ các vấn đề quy định tại dự thảo Nghị định quy định lấn biển, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẩn trương thực hiện các công tác liên quan nhằm sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến đất lẫn biển.
Đặc biệt, để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và nội dung của dự thảo Nghị định, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TN&MT rà soát Luật Đất đai 2013, Luật tài nguyên, môi trường biển hài đảo và các Luật liên quann nhằm đề xuất ngay cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của các Luật này về hoạt động lấn biển, đất hình thành từ hoạt động lấn biển (đất lấn biển) như: khái niệm đất lấn biển, cơ chế quản lý, chế độ sử dụng đất lấn biển, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khu vực biển khi đất lấn biển chưa hình thành, việc đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý, sử dụng khu vực biển để lấn biển theo chế độ quản lý, sử dụng đất, và các vấn đề liên quan khác.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng được yêu cầu xem xét, đề xuất bổ sung các quy định của Luật Đất đai 2013 về đất có mặt nước ven biển về khái niệm, phạm vi, ranh giới và các vấn đề liên quan khác.
Đối với công tác sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, trình theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.
Phức tạp vi phạm lấn biển
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, trên cả nước tình trạng vi phạm liên quan đến hoạt động lẫn biển đã diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ ảnh hưởng xấu đến môi trường biển mà còn đặt ra yêu cầu sớm có quy định, chế tài để quản lý.
Chẳng hạn, vào đầu năm 2021, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông (trụ sở tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) vì hành vi đổ đất, san lấp mặt bằng trái phép.
Không chỉ tại Quảng Ninh, tình trạng lấn chiếm trái phép dọc bờ biển được đánh giá đã diễn ra hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước.
Cụ thể, tại tỉnh Khánh Hòa, thời điểm tháng 4/2020, loạt dự án lấn biển Vịnh Nha Trang gồm dự án Alipu Resort, Sao Mai Anh Resort, dự án của Công ty CP Vega City tại phường Vĩnh Hoà, TP Nha Trang đã được phát hiện có nhiều vi phạm sau thanh tra.
Đối với vi phạm tại các dự án này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi đó đã yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hoà chịu trách nhiệm toàn diện về việc xử lý.
Cũng tại tỉnh Khánh Hòa, thời điểm tháng 6/2020, tỉnh này cũng đã có yêu cầu thu hồi dự án 33 triệu USD xây dựng Công viên Văn hoá giải trí - thể thao Nha Trang Sao (gọi tắt Nha Trang Sao) tại đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang để xây công viên phục vụ người dân và du khách. Đây là dự án mà thời gian qua, chủ đầu tư đã đổ đá xây kè xâm lấn danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòa Đỏ.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời điểm tháng 11/2020, Công ty TNHH du lịch khách sạn Phúc Đạt khi triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Charm Long Hải Resort & Spa đã lấn chiếm hơn 3.700 m2 bãi bồi biển Long Hải để trồng hàng trăm cây dừa. Sau khi bị phát giác, doanh nghiệp này đã buộc phải trả lại nguyên trạng.
Trước đó, vào năm 2017, tại tỉnh Kiên Giang, một nhà máy chế biến thủy sản tại huyện Kiên Lương (Kiên Giang) vừa bị UBND tỉnh phát hiện tự ý lấn biển gần gấp đôi quy mô cho phép, với diện tích vi phạm lên đến hơn 5,3ha.
Thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm bờ biển, lấn biển trái phép không phải là hiện tượng hiếm gặp khi nước ta có bờ biển trải dài hàng ngàn km. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần có chế tài quy định, quản lý chặt chẽ hơn về các hoạt động có liên quan đến bờ biển, lấn biển.
Theo đó, ngày 10/2/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký đã ban hành Nghị định Số 11/2021/NĐ-CP Quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Theo các chuyên gia về pháp lý và bất động sản thì việc hoàn thiện thống nhất các quy định của Luật và các văn bản dưới Luật liên quan đến các nội dung liên quan đến việc giao các khu vực biển nhất định từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân để khai thác như về ranh giới, diện tích khu vực biển, nguyên tắc giao khu vực biển, căn cứ giao khu vực biển, thời gian giao, công nhận khu vực biển,… là rất cần thiết để các địa phương căn cứ vào đó tăng cường công tác quản lý các dự án dọc bờ biển.