Trong nửa năm trở lại đây, thị trường bất động sản sụt giảm thanh khoản mạnh, đặc biệt tại phân khúc đất nền. Theo đó, nhiều nhà đầu tư cũng không còn mặn mà với đất nền như trước.
Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội sụt giảm 18%, kéo theo giá rao bán tại một số quận, huyện giảm so với quý trước. Cụ thể, mức độ quan tâm tại Quốc Oai giảm mạnh nhất 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%. Còn Long Biên, Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh có mức giảm lần lượt là 21%, 18%, 17% và 8%.
Do vậy, nhiều môi giới bất động sản trong nhiều tháng nay đã không có giao dịch. Đơn cử, trường hợp của anh Nguyễn Văn Hà, môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, kể từ tháng 4, giao dịch đất nền tại vùng ven đã bắt đầu giảm. Theo đó, anh cũng không có giao dịch.
“Tình hình giao dịch đất nền không còn tốt như trước, để không ảnh hưởng tới thu nhập tôi bắt đầu tìm sang các mảng khác. Nhận thấy sau dịch nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh, nhà trọ, chung cư cao nên tôi chuyện về làm mảng này”, anh Hà nói.
Theo anh Hà, mỗi lần cho thuê thành công, chi phí hoa hồng của anh thường sẽ là 1 tháng đầu tiền thuê. Nếu môi giới được những bất động sản giá trị cao, thu nhập của anh cũng không kém so với bán đất nền.
“Cho thuê mặt bằng kinh doanh thường dao động từ 20 - 40 triệu đồng/tháng, chung cư khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng, nhà trọ thì chỉ vài triệu đồng, chi phí hoa hồng của tôi là tháng đầu tiên. Thời điểm này, dịch bệnh đã được kiểm soát, các cửa hàng kinh doanh tiếp tục mở lại nên nhu cầu thuê mặt bằng cũng rất lớn mà những chủ sở hữu họ mua để đầu tư, giữ tiền và làm những công việc khác nên thường sẽ giao cho môi giới tìm khách thuê luôn. Có những tháng tôi kiếm cả trăm triệu đồng từ môi giới cho thuê”, anh Hà nói.
Anh Hà cho biết thêm, làm môi giới cho thuê cần bỏ nhiều thời gian để tìm các mặt bằng, chung cư đang trống tại những nơi có nhu cầu cao.
"Đa phần, những người có nhu cầu tới xem thấy ưng họ sẽ ký thuê ngay mà không cần phải tư vấn nhiều như đất nền. Tuy nhiên, công việc này vất vả nhất là đi tìm mặt bằng, chung cư trống có vị trí thuận tiện", anh Hà nói.
Theo anh Nguyễn Văn Ngữ, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thời gian qua, giao dịch mua bán chậm lại, văn phòng anh nhận thêm cả môi giới cho thuê bất động sản.
“Tôi chủ yếu cho thuê chung cư và mặt bằng kinh doanh, hoa hồng từ việc cho thuê cũng rất tốt. Hiện nay, giá chung cư tăng cao, nhiều người chưa đủ để mua nên vẫn chọn đi thuê, mỗi lần môi giới thành công, ít nhất cũng nhận được khoảng 10 - 15 triệu đồng/lần. Hiện nay, giá cho thuê cũng đang tăng đột biến trong thời gian gần đây”, anh Ngữ nói.
Thực tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thuê nhà, mặt bằng kinh doanh đang phục hồi tốt, bên cạnh đó, giá cho thuê cũng tăng theo. Theo báo cáo quý III/2022 của Batdongsan.com.vn, ước tính, mức độ quan tâm đến bất động sản bán tại Hà Nội giảm 3% so với quý I/2022, nhưng nhu cầu tìm thuê bất động sản Hà Nội lại tăng 58%.
Tại TP. HCM, lượng quan tâm bất động sản bán và cho thuê trong quý III/2022 đều tăng so với quý I/2022, trong khi mức tăng của phân khúc bán là 19% thì phân khúc cho thuê tăng đến 70%.
Loại hình bất động sản cho thuê dẫn đầu cả 2 thị trường Hà Nội và TP. HCM về mức độ quan tâm là chung cư. Nhu cầu tìm thuê chung cư Hà Nội trong quý III tăng khoảng 13% so với quý trước, còn mức tăng ở TP. HCM là 24%.
Giá cho thuê chung cư cũng tăng đều ở nhiều quận. Đơn cử, giá cho thuê chung cư quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng từ 14 đến 16% so với quý trước. TP.HCM chứng kiến xu hướng tương tự, giá cho thuê chung cư Quận 4, Quận 1 và Bình Thạnh tăng lần lượt là 14%, 12% và 13%.