Chính phủ thúc tiến độ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

Lê Sáng | 11:34 08/02/2024

Chính phủ vừa giao 5 bộ sớm ban hành kế hoạch xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính phủ thúc tiến độ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Công tác thu thập dữ liệu về đất đai còn gặp nhiều khó khăn ngay cả tại các đô thị lớn nhà Hà Nội, TP. HCM. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2024

Các bộ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trên là Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, theo nghị quyết phiên họp Chính phủ ngày 6/2.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính tổng hợp kiến nghị của địa phương về điều tiết 10% nguồn thu từ đất để phục vụ quản lý, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai. Hai bộ đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, với tinh thần "không để khoảng trống pháp lý".

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm nhiều thành phần dữ liệu như tổng hợp về địa chính, không gian, thửa đất, biểu số liệu; hiện trạng sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; khung giá đất, giá đất giáp ranh, bảng giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai như chất lượng, tiềm năng, thoái hóa, ô nhiễm đất...

Dữ liệu về thửa đất sẽ gồm loại đất, diện tích sử dụng, số tờ, số thửa, người sử dụng, tình trạng pháp lý, tài sản gắn liền với đất...

Từ tháng 4/2021, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất.

Giải trình trước Quốc hội tháng 11/2022, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (trên cương vị là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường) cho biết trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, các cơ quan sẽ thống kê, tính toán để xác định vùng đất, thửa đất chuẩn và số lượng thửa đất... từ đó tính được giá đất. Người dân có thể thông qua cơ sở dữ liệu hoặc bản đồ địa chính, số hóa đất đai để tiếp cận giá đất. "Khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu giá đất thì ai cũng có thể biết và không ai có thể can thiệp bởi đó là giá thị trường", ông Hà nói.

Tháng 2/2023, chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Trần Hồng Hà nhắc lại ý tưởng các cơ quan sẽ thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất trong điều kiện ổn định bình thường, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ giá đất toàn quốc. Việc này nhằm khắc phục khó khăn trong định giá đất theo giá thị trường, tạo cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư.

Còn nhiều khó khăn cần giải quyết

Thực tế cho thấy, dữ liệu đất đai được số hóa đồng bộ, sẽ mang lại nhiều tiện ích, nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính… Tuy nhiên, tại nhiều địa phương khác trên cả nước, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại Hà Nội, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố Hà Nội hiện đang tập trung triển khai dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai. Từ năm 2015 đến nay, cơ bản thực hiện hạng mục đo đạc 27/27 địa điểm thuộc phạm vi dự án, đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ ngoại nghiệp và tổ chức nghiệm thu 477/489 xã, thị trấn; 11 phường, xã còn lại đơn vị thi công đã thực hiện đo đạc ngoại nghiệp. Vào tháng 9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện thủ tục xin UBND thành phố gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Võ Anh Tuấn, các địa phương đã nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ cơ bản để phục vụ tốt cho công tác quản lý đất đai. Một số địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh, thành phố để quản lý đất đai theo hướng hiện đại và xây dựng được một khối lượng rất lớn dữ liệu đầu vào phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, đó là hệ thống bản đồ (dữ liệu đồ họa) và hệ thống hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất (dữ liệu thuộc tính)...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bảo Trung - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, trong quá trình triển khai làm điểm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với dữ liệu đất đai thì thông tin, dữ liệu CSDL đất đai đang vận hành tại địa bàn làm điểm số tờ, số thửa chưa đúng với bản đồ địa chính chính quy; địa chỉ thửa đất (thông tin trên giấy chứng nhận) không đủ độ chi tiết (chỉ có thông tin về tổ dân phố/thôn, xóm không có thông tin về số nhà) và thay đổi nhiều so với thực tế, nên quá trình rà soát, đối soát thông tin mất rất nhiều thời gian, thực tế phải điều tra lại toàn bộ khu vực hành chính.

Đối với thông tin, dữ liệu về nhà ở, công trình, tài sản gắn liền đất, đây là thông tin không bắt buộc đăng ký, do đó trong CSDL đất đai hầu như không có thông tin này. Thông tin nhà ở trong Giấy phép xây dựng cấp cho người dân, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng, UBND cấp huyện được lưu dưới dạng hồ sơ giấy, chưa được số hóa để có thể kết nối, chia sẻ bổ sung “làm giàu” cho CSDL đất đai.

Bên cạnh đó, thực tế điều tra thông tin về số nhà, đường phố còn trùng lặp, không thống nhất; đặc biệt là tại các khu mới, đường mới, đường chưa được đánh số chính thức thì địa chỉ đều là tự gắn số, tự đánh số, dẫn đến thông tin về số nhà, địa chỉ không chính thức, không chính xác, lộn xộn, trùng lặp...

Về tổ chức triển khai, ông Trung cho biết, việc điều tra thu thập thông tin tại các địa bàn được phối hợp, giao cho UBND xã, phường thực hiện, mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã; các tổ trưởng tổ dân phố, chi bộ trực tiếp đi phát phiếu, đôn đốc thu thập thông tin, tuy nhiên kết quả phụ thuộc vào mức độ hợp tác của người dân, khả năng của cán bộ điều tra, nên số lượng thông tin thu thập còn thấp (khoảng 50% - 70%) trên tổng số, độ tin cậy còn chưa cao; thông tin về nhà ở, tài sản gắn liền với đất, về địa chỉ chi tiết còn thấp. Ví dụ tại Hà Nội, các phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội đạt tỷ lệ tương ứng là 0,29%, 22,24%.

Đặc biệt, việc thu thập thông tin đến từng hộ dân gặp nhiều khó khăn, có nơi không thu thập được do chủ sử dụng đất, sở hữu nhà không có mặt tại địa bàn hoặc đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho người ở địa phương khác hoặc đã cho thuê hoặc không phối hợp với địa phương để kê khai, cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Trung, người dân cũng chưa tự giác, chủ động trong việc thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động) theo quy định do đó dữ liệu không được cập nhật thường xuyên, đầy đủ, chính xác theo hiện trạng sử dụng, quản lý.


(0) Bình luận
Chính phủ thúc tiến độ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO