Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chao đảo, đây được cho là tín hiệu tích cực. Nhằm khơi thông những ách tắc trong việc triển khai dự án tồn tại đã lâu. Nhiều ý kiến kỳ vọng, đây sẽ là động lực để thị trường đi vào ổn định hơn.
Song, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, những vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay thì không thể giải quyết ngay. Đầu tiên là vấn đề về nguồn cung đang bế tắc, mà để giải quyết nguồn cung thì phải tháo gỡ từ hệ thống pháp luật. Do đó, thành lập tổ công tác thời điểm hiện tại cũng khó có thể tháo gỡ về mặt pháp luật.
Ông Võ nhận định: "Việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản bước đầu mới chỉ giúp khôi phục, tái tạo lại niềm tin chứ còn cách để tháo gỡ thực sự được những khó khăn, vướng mắc thì chưa có".
GS-TSKH Đặng Hùng Võ cũng cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thì việc tất yếu là sửa đổi Luật Đất đai. Quan trọng là phải sửa cho đúng chứ càng sửa càng sai thì chỉ làm cho thị trường bất động sản nhiều bất cập, khó khăn hơn.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản sẽ cần thời gian và quá trình không thể giải quyết ngay lập tức. Việc thành lập tổ công tác sẽ giúp các ngành, địa phương tháo gỡ được những vướng mắc trong cấp phép, xây dựng các dự án bất động sản và thanh lọc được thị trường một cách tốt nhất.
"Việc thành lập tổ công tác tạo sự gắn kết giữa các ban ngành, các địa phương trong việc giải phóng đất đai, đưa ra các dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. Cùng với đó, đảm bảo quá trình đáp ứng nguồn nguyên vật liệu cho việc đầu tư xây dựng các dự án bất động sản góp phần phát triển thị trường ổn định", ông Thịnh nhận định.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), có khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý nên quyết định thành lập Tổ công tác được ban hành phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực tự cứu mình để giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
Thực tế, gần đây, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, thanh khoản liên tục sụt giảm. Để vực lại thanh khoản, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các chính sách kích cầu, mở bán với nhiều ưu đãi lớn, thậm chí, có dự án chiết khấu tới 50% giá trị sản phẩm nếu khách thanh toán vượt tiến độ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc thanh khoản giảm nhưng giá bán vẫn ở mức cao. Các doanh nghiệp cần có thêm các chính sách, tính toán lại giá bán phù hợp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh việc nhiều doanh nghiệp kiến nghị khó khăn về thanh khoản thì cần phải nhìn nhận khách quan là thị trường bất động sản cần tái cấu trúc. Tính thanh khoản của bất động sản thời gian qua có thể thấp nhưng hầu như tất cả các phân khúc bất động sản giá vẫn cao, có giảm thì cũng vẫn ở mức cao.
"Chúng ta phải thấy rằng năm 2020, 2021 nền kinh tế rất khó khăn thì giá bất động sản vẫn tăng mạnh, còn trong năm 2022 các doanh nghiệp cho rằng thanh khoản giảm nhưng giá vẫn tăng liên tục. Và điều này tạo nên sự bất thường đối với thị trường bất động sản. Do đó, việc tái thiết lại thị trường bất động sản sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn", ông Thịnh nhận định.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cần tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Nếu đi vay thêm vốn từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu mà vẫn không bán được hàng, tỷ lệ nợ sẽ càng tăng, sức ép tài chính sẽ lớn hơn nhiều.
"Doanh nghiệp cần chọn tái cấu trúc bằng cách “hy sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực của mình để phát triển", ông Hiển nói.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần “cân nhắc” hỗ trợ một nguồn lực nhất định giúp thị trường có trợ lực vượt qua giai đoạn khó. Đó có thể là một nguồn vốn nhất định cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho người lao động chưa có nhà được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống. Điều này sẽ tạo dòng tiền mới cho thị trường, vừa kết hợp người dân mua nhà để ở theo tinh thần tự chọn lựa căn nhà phù hợp.
Nguồn vốn này trước mắt chỉ tập trung ở những vùng phù hợp với giá trị kinh tế phát triển, chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm, không để dòng tiền chảy tiếp vào bất động sản đầu cơ, lướt sóng.