Chiếm lĩnh gần hết thị trường toàn cầu, hai quốc gia Đông Nam Á đang làm cả thế giới lo lắng vì những cây cọ già

Anh Dũng | 11:19 02/10/2023

Trên khắp Đông Nam Á, những cây cọ già cao bằng toà nhà 12 tầng đang trở thành nỗi đau đầu của nông dân địa phương, chính quyền khu vực và người tiêu dùng khắp mọi nơi.

Chiếm lĩnh gần hết thị trường toàn cầu, hai quốc gia Đông Nam Á đang làm cả thế giới lo lắng vì những cây cọ già

Dầu cọ vốn được dùng để làm thực phẩm, mỹ phẩm và nhiên liệu. Khi cây cọ sống được khoảng 1/4 thế kỷ, chúng sẽ cho ít dầu hơn. Trong khi đó, những cây cọ non phải mất vài năm mới có thể khai thác thương mại.

Tại các khu vực trồng cọ của Malaysia và Indonesia, người nông dân cho rằng họ không thể tái canh những cây cọ mới vì chi phí cao và thiếu nhân lực. Kết quả là việc trồng mới những vườn cọ bị trì hoãn, làm giảm sản lượng trong những năm tới và có thể hạn chế xuất khẩu. Hai quốc gia Đông Nam Á này chiếm 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Do đó, tình trạng trì hoãn tái canh có thể làm giảm thu nhập của người nông dân và đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao.

Những cây cọ đang phát triển. Ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg
Một công nhân thu hoạch cọ. Ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg

Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Oil World cảnh báo nhiều hậu quả của việc chậm tái canh cây cọ. Họ ước tính tăng trưởng sản lượng hàng năm có thể giảm xuống còn 1,8 triệu tấn hoặc ít hơn trong 10 năm tới.

Ivy Ng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đồn điền tại CIMB Investment Bank Bhd. ở Kuala Lumpur, cho biết chi phí sản xuất sẽ tăng lên, vì mọi thứ đều tăng giá mà năng suất lại giảm.

Giá cao cũng khiến nhu cầu giảm, đặc biệt là ở các thị trường nhạy cảm về giá như Ấn Độ. Người mua sỉ và lẻ có thể hướng đến những lựa chọn thay thế như dầu đậu nành hoặc dầu hạt cải. Đối với các chính phủ, họ có thể phải chi thêm hàng tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này.

Cây cọ bắt đầu ra quả khi được 3 tuổi và sản lượng đạt đỉnh trong khoảng từ 9-18 năm. Sau đó, số lượng quả giảm dần và sẽ bị nhổ bỏ khi trồng được 25 năm. Nhưng biến động của đại dịch và giá cọ cao đã khiến kế hoạch bị ảnh hưởng.

Một công nhân sử dụng liềm để thu hoạch quả cọ ở Malaysia. Ảnh: Joshua Paul/Bloomberg

Hiệp hội Dầu cọ Malaysia ước tính có 664.000 ha, tương đương khoảng 12% diện tích cây trồng của cả nước, là những cây 25 năm tuổi trở lên. Hiệp hội dự đoán đến năm 2027, 1/3 diện tích trồng trọt có thể được phân loại là “già”. Chi phí bình quân để nhổ bỏ là khoảng 4.265 USD/ha, tương đương gần 3 tỷ USD.

Máy xúc đang đốn hạ những cây cọ già. Ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg

Ông Jamari người Indonesia là một trong những người rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông chuyển từ trồng lúa sang trồng cọ cách đây 2 thập kỷ và sở hữu 2ha đất ở quần đảo Riau. Nhưng một số cây của ông đã cao tới 19 mét và sản lượng quả ngày càng giảm sút.

Một người đang trồng một cây cọ non. Ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg

Vấn đề không chỉ là tài chính mà còn đặt ra những câu hỏi về cơ cấu. Một ngành không ngừng khai hoang, gây ảnh hưởng đến những cánh rừng đang đối mặt với áp lực môi trường. Việc phát quang để có thêm diện tích trồng cọ không còn khả dụng như trước.

Sau đó là thực tế của công việc trồng cọ. Hoa hướng dương hay cây cải dầu là những loại cây trồng thấp, trên những cánh đồng bằng phẳng và có thể sử dụng máy móc để thu hoạch. Ngược lại, với những cây cọ cao chót vót, công nhân phải cắt những chùm quả giữa tán lá đầy gai, mỗi chùm nặng 16-35kg. Ngay cả việc dọn sạch đất trồng để tái canh cũng phức tạp và cần cẩn thận hơn để tránh sản sinh sâu bệnh.

Cây cọ dầu non tại vườn ươm. Ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg
Ảnh: Muhammad Fadli/Bloomberg

Các nhà sản xuất lớn đang bắt đầu hành động. Công ty Astra Agro Lestari Tbk ở Indonesia đang nghiên cứu các giống cọ có thể thu hoạch từ 25 tháng tuổi, sớm hơn so với thời gian trung bình 3-4 năm. Họ cũng đang nghiên cứu các giống có thể giữ thân cây cao chỉ từ 10 đến 15 m, ngay cả khi cây già đi.

Tham khảo Bloomberg


(0) Bình luận
Chiếm lĩnh gần hết thị trường toàn cầu, hai quốc gia Đông Nam Á đang làm cả thế giới lo lắng vì những cây cọ già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO