Chi 300 tỷ USD cho World Cup 2022, Qatar chờ đợi 1 'cú hích' kinh tế sau 10 năm đầu tư không ngừng nghỉ

Vũ Anh | 07:16 18/11/2022

12 năm sau khi giành được quyền đăng cai tổ chức World Cup 2022, Qatar - quốc gia nhỏ bé giàu khí đốt đang cố gắng chứng minh mình không chỉ đơn thuần là nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Chi 300 tỷ USD cho World Cup 2022, Qatar chờ đợi 1 'cú hích' kinh tế sau 10 năm đầu tư không ngừng nghỉ

Mười hai năm sau khi giành quyền đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, Qatar - quốc gia nhỏ bé giàu khí đốt đã sẵn sàng chào đón những cầu thủ tài năng nhất sau khi chi ra 300 tỷ USD. Bảy sân vận động mới, 20.000 phòng khách sạn, 1 tàu điện ngầm cùng gần 2.000 km đường mới - những thứ được coi là đỉnh cao sau 1 thập kỷ xây dựng và đầu tư không ngừng nghỉ cũng đã sẵn sàng đón hơn 1 triệu du khách tới đây thưởng thức các trận cầu nảy lửa, theo Bloomberg. 

Thực tế, chi tiêu của Qatar cho thể thao không chỉ giới hạn trong World Cup. Kể từ khi được trao quyền tổ chức World Cup bởi FIFA, quốc gia này đã vung tay mua phần lớn cổ phần của Paris Saint-Germain - một trong những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu nước Pháp cùng 22% cổ phần đội bóng Bồ Đào Nha SC Braga. Qatar cũng tổ chức Công thức 1 vào năm 2021, sau đó giành được hợp đồng đăng cai kéo dài 10 năm bắt đầu từ năm sau.

Theo Bloomberg, các nước láng giềng của Qatar cũng chi tiêu đáng kể cho thể thao. Khu vực này sẽ tổ chức 4 chặng đua F1 vào năm 2023, trong khi Ả Rập Xê Út và Abu Dhabi, Thủ đô của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đều sở hữu 1 đội bóng tại Giải Ngoại hạng Anh. Thể thao điện tử, các sự kiện quyền anh và võ tổng hợp cũng dần hút một lượng lớn vốn đầu tư. 

“Sự giàu có của các quốc gia vùng Vịnh đã giúp họ đầu tư quảng bá hình ảnh. Thể thao được coi là sự kiện quan trọng góp phần tạo nên uy tín các quốc gia, đồng thời thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài”, Dania Koleilat Khatib, một học giả tại Viện Hoover, Đại học Stanford, cho biết.

1200x-12.jpeg
Mười hai năm sau khi giành quyền đăng cai tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, Qatar - quốc gia nhỏ bé giàu khí đốt đã sẵn sàng chào đón những cầu thủ tài năng nhất.

Một số ý kiến trái chiều lại cho rằng hoạt động đầu tư trên liên quan đến nhiều cáo buộc rửa tiền, rằng các quốc gia này đang cố gắng lợi dụng các sự kiện thể thao để “làm hình ảnh”. Được biết Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Qatar đang nỗ lực cải thiện danh tiếng, chứng minh rằng họ không chỉ là những nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch. 

“World Cup sẽ đóng vai trò như một động lực thúc đẩy nhiều sáng kiến mà chính phủ Qatar đã cam kết và lên kế hoạch, từ phát triển đô thị cho tới đa dạng hóa nền kinh tế”, ông Al Thawadi, Tổng thư ký Ủy ban Chuyển giao và Di sản - cơ quan đứng sau các dự án hạ tầng phục vụ World Cup 2022, nhấn mạnh. 

Theo Giorgio Cafiero, Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics có trụ sở tại Washington, việc tổ chức World Cup sẽ giúp Qatar củng cố hình ảnh rất nhiều. “Sự kiện thể thao này sẽ giúp đây trở thành một quốc gia vùng Vịnh có tư duy cầu tiến và hướng ngoại, có khả năng gắn kết nhiều người với nhau”. 

“Chúng tôi sẽ tổ chức một giải đấu an toàn và lạc quan rằng, đây sẽ là sự kiện thể thao lớn đầu tiên kể từ khi đại dịch, nơi tất cả những ai muốn đều có thể tham dự”, ông Al Thawadi khẳng định.

2600x-1.jpeg
Qatar tìm cách đưa kỳ World Cup năm nay trở thành sự kiện bóng đá trung hòa carbon lớn nhất hành tinh.

Trước đó hồi năm 2021, World Cup 2022 được dự báo sẽ đóng góp cho nền kinh tế Qatar khoảng 20 tỷ USD. Theo Bloomberg, số tiền này tương đương khoảng 11% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Qatar năm 2019. Số liệu chi tiết hơn sẽ được công bố sau khi giải đấu chính thức diễn ra. 

Theo Bloomberg, Ả Rập Xê Út, Hy Lạp và Ai Cập đang cùng đăng ký đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá nam thế giới vào năm 2030. Rõ ràng, cả Ả Rập Xê Út và Qatar đều quan tâm đến việc tổ chức Thế vận hội để mang lại cơ hội phát triển cho kinh tế và xã hội .

“Vùng Vịnh đang ngày càng có nhiều khả năng tổ chức Thế vận hội Olympic”, 

Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema Paris, cho biết. 

Theo các chuyên gia, thập kỷ tới được cho là thời điểm then chốt đối với các quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Họ cam kết vào năm 2030 sẽ bắt đầu giảm mức tiêu thụ năng lượng, đồng thời tìm kiếm các giải pháp thay thế sạch và xanh hơn để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Bản thân Qatar cũng tìm cách đưa kỳ World Cup năm nay trở thành sự kiện bóng đá trung hòa carbon lớn nhất hành tinh, dù phía các nhà nghiên cứu độc lập còn hoài nghi về tính toán này. 

Đáp lại, trong một tuyên bố chính thức, đại diện phát ngôn FIFA cho biết họ bác bỏ ý kiến cho rằng các tuyên bố về tính trung hòa carbon là phản tác dụng, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu đã đề ra tạo động lực to lớn để ban tổ chức hướng đến môi trường.

1x-1.jpeg
Chi tiêu của Qatar cho thể thao không chỉ giới hạn trong World Cup 2022. 

“FIFA nhận thức rất rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, sự phức tạp trong việc quản lý truyền thông và hành động. FIFA không có ý định phân tâm khỏi mục tiêu trung hạn là đạt mức phát thải ròng bằng không”, báo cáo cho biết.

Trong ngắn hạn, những quốc gia như Qatar sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine, trước nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu. Tuy nhiên, hậu quả của căng thẳng địa chính trị cũng làm nổi bật nhu cầu của các nhà nhập khẩu - những người đang cố gắng củng cố an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đối với các nước sản xuất, điều đó có nghĩa là đã đến lúc hành động để đảm bảo tương lai nền kinh tế trước khi nhu cầu dầu sụt giảm.

Trường hợp điển hình là Ả Rập Xê Út, quốc gia vốn không cấp thị thực du lịch cho đến năm 2019, đang lên kế hoạch ​​chi 1 nghìn tỷ USD hút du khách nước ngoài. Như 1 phần trong kế hoạch xây dựng Neom - thành phố công nghệ cao trên sa mạc, quốc gia này còn dự định xây dựng khu trượt tuyết nhân tạo, đồng thời đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông châu Á 2029. Sự kiện thể thao này chính là cách để Ả Rập Xê Út giới thiệu hình ảnh đất nước với hàng tỷ du khách tiềm năng.

Các nước láng giềng nhỏ hơn cũng đang đẩy mạnh ngành công nghiệp không khói, trong đó UAE đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành lĩnh vực đóng góp 15% GDP vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, Qatar hướng tới mục tiêu thu hút 6 triệu du khách mỗi năm, tăng gấp đôi so với hồi năm 2016. 

Theo: Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chi 300 tỷ USD cho World Cup 2022, Qatar chờ đợi 1 'cú hích' kinh tế sau 10 năm đầu tư không ngừng nghỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO