“Chê” chứng khoán, bất động sản, giới trẻ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đổ xô mua một loại tài sản với niềm tin ‘chỉ lãi không lỗ’

Anh Dũng | 10:10 16/03/2024

Nhiều người quan niệm, mua loại tài sản này có nghĩa là ‘tiền vẫn ở bên bạn nhưng theo một cách khác’.

“Chê” chứng khoán, bất động sản, giới trẻ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đổ xô mua một loại tài sản với niềm tin ‘chỉ lãi không lỗ’

Âm thanh gõ nhẹ vang khắp một xưởng trang sức ở miền nam Trung Quốc. Những người thợ thủ công đang uốn những hoạ tiết trên một lá vàng theo phong cách tranh thuỷ mặc cổ.

Những tác phẩm tinh xảo do các thợ kim hoàn bậc thầy tạo ra luôn được ưa chuộng ở Trung Quốc. Chúng được mua làm quà tặng trong những dịp lễ tết hoặc đơn giản chỉ là để đầu tư.

Hiện các nhà kim hoàn đang phải cân nhắc đến một đối tượng người tiêu dùng mới, đó là những người trẻ tuổi. Giới trẻ Trung Quốc đang ngày một quan tâm đến việc mua vàng và coi đó là một khoản đầu tư an toàn trong thời điểm bất ổn.

Các nhà phân tích cho biết, chìa khoá dẫn đến sự phổ biến của kênh đầu tư vàng là bởi sự phục hồi kinh tế mờ nhạt sau đại dịch của Trung Quốc. Điều này tác động đến giới trẻ khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư truyền thống ngày một kém hấp dẫn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm mạnh sau đại dịch. Một trong những chỉ số chính đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018 đến nay. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn chưa chấm dứt những chuỗi ngày bất ổn. Vì thế, giới trẻ đang bỏ qua những kênh đầu tư này để tìm kiếm loại tài sản an toàn hơn.

Nghệ nhân bậc thầy Tan Ruikun của hãng trang sức khổng lồ Chow Tai Fook cho biết: “Trước đây, chỉ có thế hệ lớn tuổi mới mua đồ trang sức bằng vàng. Giới trẻ bây giờ đã khác. Họ cũng sẽ mua vàng vì khả năng giữ giá trị”.

Tại một khu chợ trang sức nhộn nhịp ở Thượng Hải, Zhang Jie, 30 tuổi, người làm nghề tự do, nói với phóng viên: “Mua vàng có nghĩa là ‘tiền vẫn ở bên bạn theo một cách khác’”.

Giám đốc điều hành Nikos Kavalis của Metals Focus cho biết thế hệ thiên niên kỷ và gen Z đang “trở thành động lực to lớn” cho sự phổ biến của vàng.

Điều đó phản ánh nghiên cứu người tiêu dùng gần đây của Chow Tai Fook. Gen Z là một trong số những người tiêu dùng vàng hàng đầu tại Trung Quốc, thậm chí nhiều nhất trong số tất cả nhóm tuổi dưới 40.

Báo cáo lưu ý: “Trang sức bằng vàng nguyên chất tiếp tục đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho người tiêu dùng Trung Quốc, trong bối cảnh điều kiện kinh tế gần đây”. Đồ trang sức bằng vàng là một trong những mặt hàng tiêu dùng có kết quả tốt nhất ở Trung Quốc vào năm ngoái.

Feng Ning, một nhân viên y tế 24 tuổi, chia sẻ: “Khi tôi bắt đầu tự kiếm tiền, tôi đã mua những sản phẩm xa xỉ khác, nhưng chúng sẽ mất giá rất nhiều khi bán lấy tiền. Bạn bè của tôi (và tôi) đã chuyển sang vàng”.

Trong khu chợ đông đúc ở Thượng Hải, một chủ cửa hàng khác cho biết lý do là vì vàng nổi tiếng trên nền tảng giống như Instagram là Xiaohongshu , thu hút khách hàng trẻ tuổi.

Giám đốc điều hành Kent Wong cho biết Chow Tai Fook cũng đã tận dụng mạng xã hội để thích ứng với mối quan tâm mới này.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), mức tiêu thụ vàng ở Trung Quốc năm ngoái được thúc đẩy bởi "các sản phẩm nhẹ hơn 10g hoặc rẻ hơn 2.000 nhân dân tệ (278 USD)”. Điều này phản ánh ngân sách nhỏ hơn của thế hệ trẻ.

Người dùng Xiaohongshu chia sẻ video về những chai thủy tinh chứa đầy đậu vàng. Càng nhiều hạt đậu, số tiền tiết kiệm càng nhiều.

Các chuyên gia cho biết, giữa cơn sốt này, nguy hiểm tiềm ẩn đối với người tiêu dùng vàng là không phân biệt được giữa vàng thật và vàng giả. Một số người mua phải hạt đầu vàng trộn lẫn sắt, kẽm và đồng. Tuy nhiên, cơn sốt vàng tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Chê” chứng khoán, bất động sản, giới trẻ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đổ xô mua một loại tài sản với niềm tin ‘chỉ lãi không lỗ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO