Châu Âu sẵn sàng trả giá cao để gom nhiên liệu, thị trường dầu châu Á có nguy cơ rơi vào khủng hoảng

Như Quỳnh | 13:00 02/10/2022

Thị trường dầu châu Á có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng khi phải cạnh tranh mua dầu với châu Âu và nguồn cung không chắc chắn, điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ phải mua dầu với mức giá cao và họ phải đứng giữa chọn lựa, hoặc mua dầu đắt đỏ hoặc sử dụng các nhiên liệu thay thế.

Châu Âu sẵn sàng trả giá cao để gom nhiên liệu, thị trường dầu châu Á có nguy cơ rơi vào khủng hoảng
Ảnh minh họa

Sự sụt giảm chưa từng có trong năng lực sản xuất dầu toàn cầu trong 2 năm qua và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang vẽ ra một bức tranh u tối. Thị trường dầu mỏ toàn cầu có khả năng sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng có khả năng làm rung chuyển các nền kinh tế, đặc biệt khi nhu cầu về nhiên liệu bắt đầu phục hồi trở lại.

Đáng chú ý, tác động nặng nề nhất phải kể đến châu Á khi khu vực này tiếp tục trở thành trung tâm tiêu thụ năng lượng phát triển nhanh nhất thế giới và tăng cường nhập khẩu các thùng dầu từ thị trường quốc tế trong khi giá dầu đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

Các nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng đang nhạy cảm với giá ở châu Á khi châu Âu sẵn sàng trả giá cao nhất cho các lô hàng này khi bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt và có nguy cơ cạn kiệt trong những tháng tới.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với dầu, với việc cạnh tranh mua nhiên liệu trong khi nguồn cung quá ít buộc các nước châu Á phải đứng giữa 2 lựa chọn đáp ứng mức giá đó hoặc chuyển sang sử dụng nhiên liệu thay thế như than.

Trong những tháng gần đây, lo ngại suy thoái gia tăng và triển vọng tiêu thụ dầu khó khăn đã khiến giá dầu giảm tới 33% so với mức đỉnh của tháng 3 – thời điểm xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu xảy ra làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Điều mà các chuyên gia vẫn lo ngại cho thị trường châu Á đã sắp tới, nhu cầu dầu trong năm nay có thể tăng trở lại khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Trong 8 tháng đầu năm nay, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình hàng tháng ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu ròng lớn thứ hai, đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

309300574_1424451718039188_3857196766120248744_n.jpg
Ảnh: Bloomberg

Việc các thành viên OPEC+ gặp khó khăn trong việc đưa nguồn cung của họ "hồi sinh" về mức trước dịch Covid là một dấu hiệu nghiêm trọng. 19 quốc gia này hiện đang gặp phải một rào cản trong việc khôi phục mức sản xuất trước đó của họ, bao gồm cả sự phản dối chống lại nhiên liệu hóa thạch.

Các thành viên của liên minh này do OPEC dẫn đầu đã cam kết tăng sản lượng, tuy nhiên nguồn cung đã giảm so với mức cam kết là 3,5 triệu thùng/ngày vào tháng 8.

Ngay cả khi giả định rằng Nga có thể thu hẹp khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong tương lai nếu tình hình xung đột tại Ukraine được giải quyết và các lệnh trừng phạt của phương Tây chấm dứt, liên minh các nhà sản xuất sẽ vẫn sản xuất dưới 2 triệu thùng/ngày.

Năng lực sản xuất dự phòng trong OPEC và các nhà sản xuất lớn khác, một bước đệm quan trọng chống lại các cú sốc lớn về nguồn cung, đã bị giảm xuống chỉ còn 1 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng trở lại mức đỉnh năm 2019 là 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tuy nhiên dự báo này đang trở nên không chắc chắn. Các nhà sản xuất đá phiến, chiếm khoảng 3/4 sản lượng dầu của Mỹ và với tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay, việc mở rộng sản lượng sẽ bị kìm hãm lại.

Các nhà đầu tư lớn đang dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ra khỏi danh mục đầu tư của họ trong khi chờ đợi các nguồn năng lượng mới tiềm năng hơn, "sạch" hơn. Một số nhà lãnh đạo OPEC tiếp tục cảnh báo không nên từ bỏ các nguồn năng lượng truyền thống trước khi các nguồn năng lượng mới sẵn sàng, tuy nhiên quan điểm này đã bị gạt đi.

Những yếu tố trên khiến cho một cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng toàn cầu đang hiện hữu. Châu Á có nguy cơ sẽ đối mặt với sự suy yếu trong tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy Indonesia và Ấn Độ đang đổi mới các nỗ lực nhằm thúc đẩy sản lượng dầu và khí đốt trong nước vẫn còn đang ở mức khiêm tốn của họ.

Các nhà lãnh đạo khu vực nên tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp dầu và khí đốt Trung Đông để nâng cao năng lực sản xuất. Trong những nỗ lực này, Trung Quốc và Ấn Độ có thể dẫn đầu và trở thành đối thủ nặng kí cho các quốc gia khác trong khu vực.

Theo Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Châu Âu sẵn sàng trả giá cao để gom nhiên liệu, thị trường dầu châu Á có nguy cơ rơi vào khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO