Chân dung loạt doanh nghiệp Thành phố Hà Nội muốn thoái vốn: Nhiều đơn vị lợi nhuận cao, nắm giữ loạt bất động sản đắc địa

Huyền Trang | 10:19 09/06/2023

Theo lộ trình, UBND thành phố sẽ hoàn thành thoái vốn đối với 7 doanh nghiệp trong năm 2024 và 16 doanh nghiệp trong năm 2025.

Chân dung loạt doanh nghiệp Thành phố Hà Nội muốn thoái vốn: Nhiều đơn vị lợi nhuận cao, nắm giữ loạt bất động sản đắc địa

Ngày 6/6 mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND thành phố, giai đoạn 2022 - 2025.

23 doanh nghiệp UBND thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước đầu tư, gồm: Công ty CP Bao bì 277 Hà Nội; Công ty CP Xuất nhập khẩu Haneco; Công ty CP 18-4 Hà Nội; Công ty CP Sách Hà Nội; Công ty CP Cơ điện Trần Phú; Công ty CP Truyền hình cáp Hà Nội; Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà; Công ty CP Địa chính Hà Nội; Công ty CP Cơ điện công trình; Công ty CP Giầy Thượng Đình; Công ty CP Điện tử Giảng Võ; Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế; Công ty CP Khảo sát đo đạc HCGC Hà Nội; Công ty CP Đầu tư khai thác Hồ Tây; Công ty CP Giầy Thuỵ Khuê; Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông; Công ty CP Thống nhất Hà Nội; Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội; Công ty CP Mai Động; Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội; Công ty CP Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm; Công ty Liên danh Norfolk Hatexco; Công ty TNHH Tập đoàn sản xuất hàng dệt may 19/5 Hà Nội.

Theo lộ trình, UBND thành phố sẽ hoàn thành thoái vốn đối với 7 doanh nghiệp trong năm 2024 và 16 doanh nghiệp trong năm 2025.

Và 4 doanh nghiệp thành phố sẽ rà soát, xây dựng phương án riêng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico); Công ty CP Hanel; Công ty CP Kim khí Thăng Long.

6-9-2023-2-54-26-pm.png

Trong danh sách 23 doanh nghiệp UBND Hà Nội dự định thoái vốn, có những doanh nghiệp đang có quỹ đất lớn tại khu đất vàng.

Đầu tiên phải kể đến Công ty Cổ phần Giày Thượng Đình (GTD) với khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dù vậy doanh nghiệp này đã có lịch sử nhiều năm thua lỗ.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Sách Hà Nội (Vietbook) đang sở hữu hơn 35% Công ty TNHH Trung tâm Quốc tế, công ty sở hữu Tòa nhà văn phòng cho thuê hạng A cao cấp International Centre Hà Nội tọa lạc số 17 Ngô Quyền với diện tích trên 7.000 m2.

international-centre-17-ngo-quyen.jpg
Tòa nhà International Centre 17 Ngô Quyền

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác ghi nhận lãi hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng như CTCP Cơ điện Trần Phú. Thành lập từ năm 1965, hiện nay, Trần Phú là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện. Công ty doanh thu trên 2.500 tỷ và lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng mỗi năm.

Một số cái tên đáng chú ý khác nằm trong danh mục thoái vốn có CTCP Đầu tư và Kinh doanh Việt Hà (mã CK: VHI), Hanel (HNE), Thống Nhất Hà Nội - chủ sở hữu thương hiệu xe đạp Thống Nhất...

Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp bất động sản sẽ được rà soát, xây dựng phương án riêng là Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cũng ghi nhận lợi nhuận cao hàng năm.

Lợi nhuận của UDIC dao động quanh mức 400 tỷ/năm còn Handico vào khoảng 300 tỷ/năm.

Các đơn vị thành viên của 2 tổng công ty này đã triển khai rất nhiều dự án bất động sản lớn tại khu vực Hà Nội. UDIC hiện nắm 30% vốn của Cty TNHH Phát Triển Khu đô thị Nam Thăng Long - đơn vị phát triển dự án Ciputra Hanoi cũng như nắm gần 24% vốn tại tòa tháp Hanoi Tower.

cong-vao-khu-do-thi-ciputra.jpg
UDIC nắm 30% vốn của dự án Ciputra
Bài liên quan

(0) Bình luận
Chân dung loạt doanh nghiệp Thành phố Hà Nội muốn thoái vốn: Nhiều đơn vị lợi nhuận cao, nắm giữ loạt bất động sản đắc địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO