Sau 23 năm đi ra nước ngoài, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế vào năm nay, tăng trưởng trên 30%, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ trong dịp nhận bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường quốc tế năm 2022.
FPT nhận bằng khen trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Ông Khoa cho biết, tính đến tháng 11, thị trường Châu Mỹ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng hơn 48%, thị trường Châu Á Thái Bình Dương tăng hơn 47%, thị trường Nhật tăng 27%. Dự kiến tập đoàn sẽ đạt quy mô nhân sự 60.000 người vào đầu năm 2023.
Năm 2022, FPT mở mới hàng loạt các văn phòng tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Nhật Bản. Mạng lưới các văn phòng và 22 trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nguồn lực tại 27 quốc gia trên toàn cầu giúp FPT triển khai 24/7 các dịch vụ CNTT cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Trong năm 2023, FPT tiếp tục tăng cường sự hiện diện trên toàn nhằm mở rộng thị trường, tập khách hàng thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Cùng với việc tăng cường sự hiện diện của thương hiệu ngành CNTT Việt Nam trên toàn cầu, FPT cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A tại thị trường nước ngoài. Trong năm 2022, FPT tại Nhật Bản đã trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật Bản, với hơn 20 năm kinh nghiệm.
"Đặc biệt hơn nữa là, doanh thu từ chuyển đổi số chiếm gần 1/2 tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Cùng với cộng đồng các công ty CNTT Việt Nam, giờ đây FPT đã đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ”, ông Khoa chia sẻ.
Năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông (ICT) ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022 là năm Bộ TT&TT được Chính phủ bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công nghiệp công nghệ số, giao dịch điện tử.
Năm 2022 là năm Bộ TT&TT tập trung làm các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực. Một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một số khác đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đó là chiến lược về Bưu chính, Hạ tầng số, Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, Công nghiệp công nghệ số và Chuyển đổi số báo chí.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2022 cũng là năm các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh mẽ tiến công ra thị trường nước ngoài. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, “không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Năm 2022, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD, của FPT về CNTT và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD…
Một số con số nổi bật của ngành CNTT-TT trong năm 2022:
- Doanh thu toàn ngành CNTT - TT tăng 12,7%, nộp ngân sách ước tăng 24,8% so với cùng kỳ.
- Ước tính đóng góp của kinh tế số cho GDP đạt 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%.
- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 74,5%.
- Tỷ lệ Make in Vietnam đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT là 38,4%.
- 1.400 sản phẩm Make in Vietnam ra thế giới.
- Doanh thu từ đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm năm 2022 ước đạt 2,2 tỷ USD.
(Nguồn: Bộ TT&TT)