Nội dung chính:
- Giá card đồ họa đã tăng lên gấp 3-4 lần giá đề xuất của hãng, khiến giá máy tính chuyên dụng vượt khỏi khả năng mua của nhiều người dùng.
- Bước ngoặt của thị trường tiền kỹ thuật số, bao gồm việc giá tiền kỹ thuật số giảm sốc, đồng thời người ta tìm ra phương án mới để “đào” coin, khiến giá card đồ họa dần ổn định trở lại.
Nhung Huỳnh - một kiến trúc sư ở Sài Gòn cho biết cô sắp sửa mua một chiếc máy tính đồ họa phục vụ công việc, giá gần 40 triệu đồng. “Cũng chiếc máy này, nếu mua vào năm ngoái, giá phải gần 70 triệu đồng. Đây đang là cơ hội để tụi em có được chiếc máy tính mơ ước với giá hợp lý” - Nhung Huỳnh cho biết. Khác với dòng máy tính văn phòng thông thường, giới kiến trúc thường sử dụng loại máy tính chuyên biệt với mức giá đắt đỏ, nhiều công năng.
Card đồ họa (GPU - Graphic processing unit) là một loại thiết bị chuyên xử lý các thông tin về hình ảnh trong máy tính, cụ thể như màu sắc, chi tiết độ phân giải, độ tương phản của hình ảnh... Giá card đồ họa thường xuyên dao động trong những năm gần đây đã khiến cho việc sở hữu một chiếc máy tính đối với nhiều người trở nên rất khó khăn.
Nguyên nhân trực tiếp đến từ việc card đồ họa được tận dụng cho việc “đào” tiền số, với mục đích khai thác các đồng tiền điện tử như: Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Zcash…
Giá card đồ họa tăng phi mã vì tiền số
Năm 2017, khi giá tiền điện tử Ethereum được dự đoán sẽ tăng, thế giới xuất hiện một lực lượng lao động mới là các thợ “đào” tiền số. Họ thu gom một số lượng lớn card đồ họa trên thị trường để phục vụ cho việc “đào coin” khiến GPU bắt đầu thiếu hụt và tăng giá, đặc biệt là dòng card Nvidia GTX thế hệ 10 và AMD RX thế hệ 500.
Năm 2018 khi giá đồng Ethereum tăng vọt, nhu cầu máy đào của thợ “đào” tiền kỹ thuật số cũng tăng theo. Tình trạng khan hiếm card đồ họa ngày càng trở nên nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm sau, cho tới tận hôm nay.
Cuối năm 2020, thị trường tiền số lại bùng nổ với giá token tăng chóng mặt, tình trạng khan hiếm card đồ họa ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đợt bùng nổ này bắt đầu xảy ra vào tháng 10/2020, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường tiền kỹ thuật số, card đồ họa GeForce RTX 3080, RTX 3080 Ti, RTX 3090... của Nvidia được xem "như vàng" khi luôn giữ giá bán cao gấp 3-4 lần so với giá bán lẻ đề xuất của hãng.
Trang trại “đào” tiền kỹ thuật số sử dụng card đồ hoạ. Ảnh:TechARP
Đến đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 cùng với diễn biến căng thẳng hơn trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, quá trình sản xuất card đồ họa đối mặt với việc đứt gãy nguồn cung ứng, thị trường card đồ họa vẫn ở trong tình trạng khan hiếm nghiêm trọng, với cung vẫn giảm và cầu vẫn tăng. Các công ty đã phải tìm cách đưa ra giải pháp nhằm thay đổi tình trạng khủng hoảng card đồ họa nghiêm trọng trong nhiều năm liền.
Biểu đồ xu hướng giá GPU NVIDIA & AMD - hai loại card đồ họa phổ biến đầu năm 2021. (Ảnh: 3DCenter)
Khủng hoảng thiếu card đồ hoạ sắp kết thúc
Tháng 2/2021, Nvidia đã có giải pháp chống lại tình trạng khan hiếm card đồ họa bằng cách giảm thiểu khả năng đào tiền kỹ thuật số thông qua dòng card LHR, và công bố dòng card CMP, chuyên cho việc đào tiền kỹ thuật số và không có chức năng đưa ra hình ảnh, nhằm đảm bảo dòng card Geforce đến được tay người dùng máy tính truyền thống.
Đến tháng 5/2021 Trung Quốc, quốc gia được xem như trung tâm “đào” tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới bắt đầu ra các lệnh cấm và giới hạn việc “đào” tiền kỹ thuật số. Thị trường card dễ thở hơn đôi chút trước khi các thợ “đào” tìm được cách chuyển các “mỏ đào” sang các quốc gia khác có giá năng lượng rẻ như Mỹ, Iran, Kazakhstan… hoặc “đào chui”.
Một trang trại đào tiền kỹ thuật số tại Trung Quốc. Ảnh: Live Bitcoin News
Cùng thời điểm ấy, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã công bố sẽ chuyển Ethereum từ cơ chế proof of work (PoW - Bằng chứng công việc) sang proof of stake (PoS - Bằng chứng cổ phần) nhằm giảm thiểu hao tổn điện năng và việc phát thải cacbon gây ô nhiễm môi trường. Điều này sẽ loại bỏ gần như hoàn toàn việc sử dụng card đồ họa để “đào” ETH.
PoW - Bằng chứng công việc là cơ chế đồng thuận dựa trên một dạng toán nâng cao được gọi là "mật mã". "Mật mã" này phải sử dụng các phương trình toán học khó đến mức chỉ những máy tính có cấu hình mạnh mới có thể giải được. Khi giải thành công những bài toán này, mạng lưới biết rằng giao dịch là xác thực, đồng nghĩa với đó máy chủ được thưởng 1 lượng "coin" xác định.
Trong khi đó PoS - Bằng chứng cổ phần là một cơ chế giúp người dùng stake coin (ký gửi coin) vào trong mạng lưới của dự án và nhận về phần thưởng là coin mà không cần dùng đến những cỗ máy đào như PoW. Trong PoS các thợ đào sẽ được thay thế bằng các validator (người xác thực) để xác minh các giao dịch trên mạng lưới thông qua việc sử dụng "coin ký gửi" làm bằng chứng xác thực giao dịch và nhận được phần thưởng tương ứng với số lượng tài sản mà họ đã đóng góp.
Bước ngoặt lớn của blockchain và tương lai của các thợ “đào”
Vào thứ 5 ngày 15/9/2022, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin xác nhận sự kiện “hợp nhất” - The Merge đã diễn ra thành công.
"Và chúng tôi đã hoàn thành! ... Chúc mừng hợp nhất tất cả. Đây là một thời điểm quan trọng đối với hệ sinh thái Ethereum", Vitalik Buterin chia sẻ trên Twitter.
Vitalik Buterin chia sẻ trên Twitter về sự thành công của sự kiện “hợp nhất”. Ảnh: Twitter
Kể từ đó, công nghệ blockchain của Ethereum đã được nâng cấp từ mô hình tiêu tốn nhiều năng lượng trở thành mô hình tiêu tốn rất ít năng lượng. Sự chuyển đổi này đã giúp đồng tiền điện tử lớn thứ hai thế giới cắt giảm hơn 99,9% lượng khí thải carbon phát sinh khi “đào”.
Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với thế giới blockchain và cũng khiến việc khai thác Ethereum trở nên bất khả thi. Đồng nghĩa với việc thị trường card đồ họa sẽ chấm dứt hoàn toàn cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung.
Giá bán các dòng card đồ họa giảm nhanh chóng sau sự kiện này. Theo SCMP, vào tháng 6/2022, một mẫu RTX 3080 được rao giá khoảng 1.140 USD nhưng hiện chỉ còn chưa tới 700 USD (16,6 triệu đồng). Trên JD, Taobao, giá của RTX 3080 giảm vài trăm đến một nghìn tệ (gần bốn triệu đồng) so với ba tháng trước. Nhưng ngay cả khi giá liên tục lao dốc, số lượng giao dịch cũng rất ít.
Ethemine, công ty khai thác Ethereum lớn nhất thế giới đã tuyên bố đóng cửa sau sự kiện “hợp nhất”. Theo Bloomberg, đã có hơn 1 triệu thợ “đào” và các thiết bị khai thác tiền điện tử trị giá hơn 10 tỷ USD đã phải rút phích cắm các card đồ họa mà họ đã sử dụng từ trước đến nay, từ bỏ công việc đã làm trong nhiều năm nay.
Gần đây nhất, Core Scientific – một trong những công ty đào Bitcoin lớn nhất thế giới, cũng đã thông báo sẽ không thể thanh toán "một số khoản nợ và chi phí thiết bị". Công ty đã nêu ra khả năng phá sản trong một tuyên bố gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ. Mã chứng khoán của công ty hiện chỉ có giá 0,16 USD – giảm gần 99% trong năm nay.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hãng đào tiền số khác. Cổ phiếu Tera Wulf giảm 93% năm nay. Stronghold Digital Mining mất 94%. Riot Blockchain giảm 74%. Hut 8 Mining và Marathon Digital Holdings mất gần 70%.
Trước nguy cơ suy thoái kinh tế cùng với những diễn biến xấu trên thị trường tiền điện tử và xu hướng “xanh hóa”, bền vững hơn của các dự án blockchain, tương lai của các thợ “đào” là một dấu hỏi lớn.