Cần tính toán kỹ khi chấp thuận các dự án trường đua ngựa, đua chó

Lê Sáng | 10:44 13/06/2022

Từ việc UBND TP. Hà Nội có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm “gỡ khó” cho dự án trường đua ngựa Sóc Sơn vốn đã “mắc cạn”, nhiều các chuyên gia cho rằng cần tính toán kỹ khi chấp thuận đầu tư các dự án trường đua ngựa, đua chó.

Cần tính toán kỹ khi chấp thuận các dự án trường đua ngựa, đua chó
Theo các chuyên gia việc xây dựng các trường đua ngựa, chó kèm hoạt động kinh doanh cá cược thể thao là phù hợp với mô hình của thế giới.

Chưa thể thu hồi đất cho dự án

Theo đó, trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, UBND TP Hà Nội cho biết, sau hơn 3 năm cấp phép đầu tư, dự án tổ hợp giải trí, thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng) chưa thể triển khai do nhiều vướng mắc trong giao, cho thuê đất.

Cụ thể, nhà đầu tư dự án tổ hợp này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên theo Luật Đất đai 2013, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, cá nhân. Nhà đầu tư dự án này chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.

Như vậy, để thực hiện được dự án cần phải có doanh nghiệp trong nước nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân xã Tân Minh và Phù Linh (Sóc Sơn), rồi góp vốn bằng quyền này vào doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, quy mô dự án này rất lớn, tới 125 ha, việc nhận chuyển nhượng qua doanh nghiệp trong nước sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, với phần diện tích đất do UBND xã quản lý nằm trong ranh giới thực hiện dự án, nếu đủ điều kiện tách thành dự án độc lập, cũng phải đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này dẫn tới khó triển khai thực hiện.

Mặt khác, dự án này gồm nhiều mục đích sử dụng khác nhau (trường đua ngựa, trung tâm thương mại, khách sạn...) nên theo Luật Đất đai 2013 chưa đủ cơ sở áp dụng thu hồi đất, không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Hiện cũng không có đủ cơ sở, điều kiện để xác định dự án thuộc trường hợp là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị không có nhà ở để áp dụng thu hồi đất theo quy định.

1.jpg.jpg
Trước khi quyết định đầu tư trường đua ngựa tại Sóc Sơn,chủ đầu tư đã tìm hiểu vị trí đầu tư tại nhiều nơi khác. Ảnh: Ông Nguyễn Mạnh Quyền khi đó là Bí thư, Chủ tịch UBND Huyện tiếp Tập đoàn Charmvit tìm hiểu vị trí đầu tư dự án tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) vào năm 2017.

Cần tính toán kỹ

Chia sẻ về hoạt động đầu tư các dự án trường đua ngựa, đua chó tại Việt Nam hiện nay, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng việc đầu tư các dự án như trường đua ngựa dù có thể thu hút vốn đầu tư nhưng vẫn cần có kiểm soát.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cần cập nhật quy hoạch trường đua vào quy hoạch tích hợp này để kiểm soát việc cấp phép. Khi phê duyệt dự án cần tính chi phí lợi ích, đất lúa ở vùng chuyên trồng lúa cần giữ. Rồi lao động mất đất không thể vào dự án làm đời sống sẽ ra sao cần đặt ra với cả nhà đầu tư và cơ quan phê duyệt dự án.

Chia sẻ quan điểm trên, TS. Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng hoạt động kinh doanh đua ngựa, cá cược thể thao được nhiều nhà đầu tư quan tâm là phụ thuộc quy luật cung cầu thị trường. Nếu dự án hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và Nhà nước, việc đầu tư các dự án nên để cho thị trường quyết định, nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm với dự án đầu tư.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Huỳnh Thế Du nếu dự án do tư nhân bỏ vốn và chỉ xin Nhà nước cấp chủ trương đầu tư thì chỉ nên quan tâm tới các rủi ro của hoạt động kinh doanh trường đua có đặt cược.

Dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước, ông Ðỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng, Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết dù có nhiều nhà đầu tư đề xuất các dự án xây dựng trường đua ngựa, đua chó trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó tại một số địa phương như thành phố Hà Nội, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Ðà Nẵng, Lâm Ðồng… nhưng đến thời điểm tháng 6/2020 mới chỉ có 1 doanh nghiệp thí điểm kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép theo quy định của pháp luật đầu tư trước đây với quy mô và phạm vi hẹp tại sân vận động Lam Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

dan-cu-truong-dua-ngua-soc-son.jpg
Một góc khu đất sẽ là vị trí của trường đua ngựa tại Sóc Sơn. Ảnh:dongbachanoi.com

Chưa có hành lang pháp lý

Thực tế cho thấy, trường hợp của siêu dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn không phải là cá biệt, thực tế thời gian qua đã ghi nhận việc các dự án tương tự cũng gặp phải nhiều khó khăn khi triển khai do những vướng mắc liên quan đến việc chưa có hành lang pháp lý để điều tiết.

Thời điểm đầu năm 2017, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược, đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế và sau đó khi Quốc hội thông qua Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, trong đó có bổ sung quy định về đặt cược thể thao đã mở ra cơ hội phát triển một ngành kinh doanh mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay dù đã có không ít nhà đầu tư quan tâm nhưng chưa có dự án trường đua ngựa nào “chạy được”.

Cụ thể, cuối năm 2016, bản ghi nhớ chính thức về việc đầu tư xây dựng Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí tại Vĩnh Phúc đã được ký kết. Dù Nghị định 06/2017/NĐ-CP đã được thông qua nhưng cho đến nay vẫn “chưa chạy”.

Một dự án trường đua ngựa khác ở Bắc Ninh cũng đã được một nhà đầu tư Hàn Quốc khác - Golden Horse - đề xuất từ đầu năm 2017, với quy mô 500 triệu USD. Dự án này cũng đã được ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, đến tháng 7/2018 UBND cũng đã ra “tối hậu thư” cho dự án này song sau đó vẫn chưa có tiến triển đáng kể.

Một số dự án trường đua ngựa khác đã từng được đề xuất tại Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Phú Yên,… đều đã “lỡ hẹn”. Theo các chuyên gia, dù đã có 06/2017/NĐ-CP và Luật Thể dục, thể thao sửa đổi nhưng nhiều dự án trường đua ngựa, chó vẫn gặp phải vướng mắc trong thực tiễn triển khai có nguyên nhân là chưa có sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp lý liên quan như Luật đất đai, Luật đầu tư,….

Dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn quy mô 125 ha đang "mắc cạn".

Theo tìm hiểu của MarketTimes, vào năm 2019, Bộ KH&ĐT có tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến lên tới 125ha, trong đó sẽ làm trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.

Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ đưa vào vận hành hạng mục trường đua từ năm 2021. Vốn đầu tư dự án khoảng 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư gần 350 triệu USD. Hai nhà đầu tư là Tổng Cty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd (Hàn Quốc) được chọn thực hiện dự án.

Dự kiến, dự án tạo thu nhập cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp, trong khi các hoạt động phụ trợ (khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm và công viên phục vụ cho văn hóa giải trí) dự tính thu hút khoảng 20.000- 25.000 lao động.

Đến năm 2020, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn như công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)...

Tháng 6/2021, UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn hiện chưa triển khai do vướng mắc về việc góp vốn, về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Do đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đề xuất phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần tính toán kỹ khi chấp thuận các dự án trường đua ngựa, đua chó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO