Cần có thêm công cụ để kiểm soát ngành kinh doanh công nghệ

Linh Khang | 21:22 17/02/2022

“Đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể cuộc sống của con người, đặc biệt là cách con người tương tác với thế giới. Ngày nay, các cuộc đàm phán, hoạt động giải trí với các trò chơi điện tử, giao dịch vật phẩm là tài sản số (NFT) được thực hiện xuyên biên giới”, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chia sẻ.

Cần có thêm công cụ để kiểm soát ngành kinh doanh công nghệ
Cần có chế tài mạnh để xử lý tập trung những vấn đề trên mạng xã hội như tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, lệch chuẩn...

Ngày 17/2, VDCA phối hợp Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Liên minh Internet châu Á (AIC) tổ chức Tọa đàm “Xây dựng chính sách quản lý dịch vụ trên internet thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA cho biết, buổi toạ đàm nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để phù hợp với sự phát triển của internet và kinh tế số trong giai đoạn tới.

“Việc phổ biến và tiếp cận thông tin trong mọi lĩnh vực đời sống đều được thực hiện thông qua các dòng dữ liệu lưu chuyển trên những thiết bị công nghệ kết nối internet và đây là một phần của bức tranh kinh tế số thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng. Điều này chứng minh rằng, công nghệ số gắn với các hoạt động kinh tế là phương thức quan trọng trong phục hồi, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.

Theo thông tin tại buổi tọa đàm, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP.

Với mục tiêu đó, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách liên quan đến công nghệ số, trong đó có liên quan đến việc điều chỉnh chính sách pháp luật đối với các dịch vụ trên internet như: Dịch vụ cung cấp thông tin xuyên biên giới, điện toán đám mây, trung tâm lưu trữ dữ liệu, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, dịch vụ mạng xã hội.

Dự thảo Nghị định Điều này cũng được thể hiện trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, đang tồn tại nhiều bất cập về điều kiện cấp phép cho công tác tổ chức, nhân sự, kỹ thuật của doanh nghiệp cung cấp dịch trò chơi điện tử trên mạng, phát triển dịch vụ trung tâm lưu trữ dữ liệu…

Do đó dự thảo Nghị định sửa đổi nội dung Nghị định 72 phải hướng đến việc khắc phục những bất cập phát sinh từ môi trường mạng và bắt kịp xu thế phát triển internet, cải cách và số hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Những tồn tại được khắc phục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khuyến khích các hoạt động đăng tải thông tin chính xác và lành mạnh trên internet, ngăn chặn các thông tin tiêu cực và hành vi lạm dụng internet gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn, trái ngược với đạo đức xã hội.

Ngoài ra, dự thảo cần có những quy định và đi cùng đó là cần có thêm các công cụ để kiểm soát ở một số ngành kinh doanh công nghệ như giải trí số, trò chơi trên mạng, dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ thông tin, xuất bản phẩm…

Đáng chú ý là cần có chế tài mạnh để xử lý tập trung những vấn đề trên mạng xã hội như tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, lệch chuẩn...

Ngoài ra, đi cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế số phải có biện pháp để giải quyết tranh chấp trên môi trường mạng về vấn đề bản quyền, tin giả, tên miền, các quy định về cung cấp thông tin xuyên biên giới, cấp phép mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng…

Đồng thời cần có chính sách nhằm xây dựng kỹ năng số cho người dùng internet, đào tạo kỹ năng số cho học sinh trong các chương trình phổ thông.

Có quy định nhằm phân loại nội dung theo độ tuổi, theo tiêu chuẩn cộng đồng, xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ liên quốc gia bởi mạng internet là không gian không biên giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần có thêm công cụ để kiểm soát ngành kinh doanh công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO