"Hôm nay hãy cùng chúng tôi tham quan căn hộ nhỏ nhất New York, rộng 7,4 m2, có kích thước bằng một chỗ đậu xe".
Đoạn video của youtuber Caleb Simpson đăng tải hôm 13/9 về căn hộ của cô Alaina Randazzo đang thu hút được nhiều sự quan tâm, theo New York Post. Những căn hộ nhỏ như thế này đã trở nên vô cùng phổ biến, đồng thời giúp những người thuê nhà tiết kiệm được số tiền lớn mỗi tháng.
Với giá 650 USD/tháng, căn hộ “với kích thước bằng một chỗ đậu xe” này không có phòng tắm riêng và chỉ được lắp đặt một bồn rửa tay nhỏ. Alaina phải dùng chung nhà vệ sinh và vòi hoa sen ở ngoài hành lang với những người thuê khác trong tòa nhà. Đây được gọi là SRO (single-room occupancy), thường chỉ có 1-2 phòng. Nhà bếp hay một phòng tắm hoàn chỉnh là điều quá xa xỉ đối với những căn hộ siêu nhỏ kiểu như thế này.
Trong không gian nhỏ hẹp, Alaina nấu nướng bằng bếp gas mini. Các nguyên liệu phải được mua tươi đủ dùng mỗi ngày vì nhà không có chỗ trữ.
"Bạn gần như có thể với tay từ 'phòng khách' qua bồn rửa tay nếu muốn. Ở đây cũng quá nhỏ để có thể tập thể dục. Cảm giác như ở ký túc xá thời đại học vậy", Caleb nói khi đang ngồi trên chiếc sofa gấp duy nhất giữa căn phòng.
Phía trên gác xép, một chiếc đệm đơn giản được kê làm giường ngủ, cách trần nhà chỉ vài chục cm. Alaina chỉ có thể nằm hoặc ngẩng người lên một chút thay vì ngồi thẳng lưng và vươn vai thoải mái khi ngồi trên giường. Alaina cũng phải để giày ở ngoài hành lang để tiết kiệm không gian nhất có thể.
Trước đây, Alaina từng phân vân liệu có nên lựa Los Angeles làm nơi an cư, song cuối cùng vẫn quyết định chọn thành phố không bao giờ ngủ và thử sinh hoạt trong căn hộ có kích thước bằng tủ quần áo để "có thể đi du lịch mà không phải lo lắng về tiền thuê nhà".
Tuy nhiên sau 1 năm trải nghiệm, Alaina cho biết cô sẽ bắt đầu một hành trình mới và không có ý định gia hạn hợp đồng thuê. "Đây là trải nghiệm thú vị để xem cuộc sống nhỏ bé ở New York là như thế nào", cô vui vẻ chia sẻ.
Aaron McConnell, một kỹ sư dân dụng 28 tuổi người Mỹ, cũng lựa chọn căn hộ siêu nhỏ làm “tổ ấm”. Anh cho biết mình vẫn cảm thấy vô cùng thoải mái trong một không gian chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường, đồng thời phải chia sẻ căn bếp với 7 người hàng xóm khác.
Do không đầy đủ tiện ích, những căn hộ như thế này khá phù hợp với những lao động có mức thu nhập không quá cao như McConnell. Anh chỉ cần trả 737 USD/tháng là đã có thể sống tại khu vực có giá thuê đắt đỏ nhất nhì nước Mỹ.
Theo Reuters, căn hộ siêu nhỏ, hay còn được gọi là căn hộ "ký túc xá", thường có diện tích nhỏ hơn 18,5 m2 và được trang bị nội thất tích hợp để tiết kiệm không gian nhất có thể. Đa số các căn bếp tập thể có thể dùng chung cho 8 hộ gia đình.
Dù đang trở thành xu hướng, song những căn hộ siêu nhỏ không được lòng đa số người dân địa phương. Một số cư dân gần nhà của McConnell lo lắng, sự lan rộng của các kiến trúc mini có thể khiến cơ sở hạ tầng các khu vực lân cận quá tải, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn giao thông và khan hiếm chỗ đậu xe.
"Đây giống như những ngôi nhà trọ không tưởng. Tôi đang phải sống trong cơn ác mộng", Carl Winter, một cư dân thành phố cho biết.
Ngoài ra, xu hướng nhà siêu nhỏ cũng vấp phải nhiều lời chỉ trích vì không phải đối mặt với các tiêu chuẩn thiết kế và đánh giá môi trường giống như những căn hộ thông thường khác. Được biết một ngôi nhà theo định nghĩa thông thường sẽ phải bao gồm cả nhà bếp riêng.
Dẫu vậy, vẫn có ý kiến ủng hộ nhà siêu nhỏ tại Mỹ. Theo ông Matthew Gardner, một nhà kinh tế học về sử dụng đất tại Seattle kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Washington, tình trạng đổ xô xây dựng các căn hộ siêu nhỏ trong năm qua là điều dễ hiểu.
"Giá đất ở đây đang ở mức rất cao. Vậy công nhân không phải người địa phương sống ở đâu? Họ muốn ở gần nơi làm việc nhưng không đủ khả năng mua căn hộ tiêu chuẩn. Những nhà trọ như thế này có thể giúp đáp ứng rất nhiều nhu cầu không được thỏa mãn", ông Matthew Gardner nói.
Quan điểm trên là có cơ sở, khi bang California mới đây dự kiến có thể tăng giá thuê lên tới 10% đối với một số ngôi nhà.
"10% đúng là rất nhiều, song trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay, việc tăng giá chỉ để cố gắng bắt kịp lạm phát, chứ chúng tôi không kiếm được gì. Chi phí cho một tòa nhà giờ rất cao. Chủ nhà như chúng tôi cũng phải sống rất chật vật", ông Larry Rubenstein, một chủ nhà cho thuê tâm sự.
Được biết, thành phố Los Angeles, bang California hiện là một trong những nơi có mức sống đắt đỏ nhất nước Mỹ. Mức giá thuê nhà trung bình là 3.182 USD một tháng, tức khoảng 75 triệu đồng cho một căn hộ 2 phòng ngủ. So với năm 2021, giá đã tăng gần 20%. Mức giá trên trời khiến nhiều người đi thuê hiện nay đối diện với nguy cơ nợ xấu và bị chủ nhà trục xuất.
Trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục, nhiều chủ nhà cũng quyết định tăng giá thuê như một cách để đảm bảo nguồn thu.
"Trong giai đoạn nửa cuối năm, người thuê nhà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì lượng nhà tồn kho nhà không nhiều. Với tốc độ hiện nay, sẽ đến lúc giá thuê nhà còn đắt hơn giá mua nhà", ông Kenny Lee, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Tin tức này chẳng khác nào sét đánh ngang tai với những người đi thuê.
"Tôi đã tìm cách đàm phán lại với chủ nhà và sẵn sàng trả 2.100 hay 2.200 USD để tiếp tục ở lại căn hộ. Tuy nhiên, họ nói rằng giá thị trường hiện đã tăng đến 40% và nhiều người thuê khác sẵn sàng trả số tiền mà họ mong muốn. Tôi không còn cách nào khác là phải dọn nhà đi", chị Gerri Weinberger, một người thuê nhà tại Manhattan, New York cho hay.
"Nhu cầu thuê nhà đang tăng vọt tại Los Angeles. Trong thời kỳ đại dịch, các chủ nhà bị cấm không được trục xuất người thuê nhà hoặc tăng giá thuê. Chính vì thế, thời điểm này là cơ hội để họ lấy lại giá trị cho các khoản đầu tư", ông Chris Lucibello, chuyên gia môi giới bất động sản nói.
Theo: The New York Post, Reuters